Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Lịch sử Lữ đoàn Pháo binh 16 - Đoàn Thuận An - 1966-2002 (tiếp theo)

Chiến sỹ Đại đội 5 tại Cánh đồng chum- Xiêng khoảng
Chiến sỹ c5: Phổ, Trung, Cảnh, Hà trên trận địa Bản Zon

(phần 6)

II. TỔ CHỨC HÀNH QUÂN AN TOÀN, HIỆP ĐỒNG CHIẾN ĐẤU GIỎI, HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ QUỐC TẾ Ở LÀO (9.1969 - 12.1970)

Ngày 9 tháng 9 năm 1969 thực hiện chỉ thị của Bộ tư lệnh pháo binh, Trung đoàn 16 thành lập đại đội 969 pháo binh tinh nhuệ đầu tiên, đồng chí Phú được bầu làm đại đội trưởng, đồng chí Tám làm chính trị viên. Đại đội 969 vừa thành lập, trung đoàn gửi đơn vị chuyển sang trường sĩ quan ở Sơn Tây để huấn luyện 3 tháng (đại đội 969 được thành lập tại Thạch Thành, Thanh Hoá). Đơn vị được trang bị súng tiểu liên AK báng gấp, B41, cối 82mm (không có bàn đế), đạn H12 bắn ứng dụng ở cự ly 100m.
Cũng trong thời gian này Bộ tư lệnh Pháo binh quyết định sáp nhập 2 Trung đoàn 16A và 16 thành Trung đoàn pháo binh 16. Ban chỉ huy trung đoàn lúc này gồm có: đồng chí Đỗ Ký làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Dù làm chính uỷ, đồng chí Phan Chuẩn - Trung đoàn phó, đồng chí Trần Hồng Trang - Phó chính ủy phụ trách cơ quan, đồng chí Nguyễn Khắc Luyện - Tham mưu trưởng, đồng chí Hoàng Chín - Chủ nhiệm chính trị, đồng chí Ngô Duy Thản - Chủ nhiệm hậu cần.
Trung đoàn có 3 tiểu đoàn, 1 đại đội chỉ huy.
Tiểu đoàn 2: do đồng chí Mai Văn Chiến làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trần Gia Lâm làm chính trị viên.
Tiểu đoàn 4: do đồng chí Hoàng Công Sự làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Cường - Chính trị viên (về sau đồng chí Nguyễn Văn Bảy thay).
Tiểu đoàn 3 (ĐKZ): đồng chí Đào Duy Hạc làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trịnh Xuân Đăng làm chính trị viên.
Thực hiện quyết định của Bộ tư lệnh Pháo binh, lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn đã triển khai tổ chức chuyển dời vị trí đóng quân từ Vĩnh Phú về huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hoá.
Vừa ổn định nơi ăn ở, vừa tổ chức khẩn trương huấn luyện, khó khăn vất vả không làm cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn nao núng; tinh thần tự lực tự cường khắc phục khó khăn được phát huy cao độ kết hợp với sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo, chính quyền, nhân dân khu vực đóng quân nên trong thời gian ngắn đơn vị đã tạm ơn định, tập trung huấn luyện nâng cao trình độ chiến thuật. Kết thúc chương trình huấn luyện tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 3 thực hành mang vác pháo ra trường bắn ở Sơn Tây để bắn kẹp nòng và bắn ứng dụng. Kết quả kiểm tra bắn đạn thật cả 3 tiểu đoàn đạt khá giỏi các môn, đơn vị an toàn.
Ngày 8 tháng 10 năm 1969, Bộ tư lệnh pháo binh quyết định tổ chức cho Trung đoàn 16 hành quân chiến đấu tham gia chiến dịch phản công 139 ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Bộ chỉ huy chiến dịch có đồng chí Vũ Lập - Tư lệnh, Chính ủy - đồng chí Huỳnh Đắc Hương.
Ngày 30 tháng 12 năm 1969, một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng của trung đoàn, đó là Đại hội đại biểu đảng bộ lần thứ 2. Đại hội đã đánh giá khách quan những ưu điểm và thiếu sót của đảng bộ, đồng thời đề ra nội dung xây dựng đảng bộ mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: xây dựng Trung đoàn 16 vững mạnh, quyết tâm cao, chủ động cơ động trên mọi chiến trường, càng đánh càng trưởng thành toàn diện.
Đại hội đại biểu đảng bộ lần thứ 2 bầu ra ban chấp hành gồm 9 đồng chí; trong đó ban thường vụ có 3 đồng chí:
- Đồng chí Nguyễn Dù làm Bí thư.
- Đồng chí Đỗ Ký - Phó bí thư.
- Đồng chí Hoàng Chín - Uỷ viên thường vụ.
Và các đồng chí đảng ủy viên: Nguyễn Hồng, Phan Chuẩn, Nguyễn Khắc Luyện, Ngô Dư Thản, Trần Gia Lâm, Trịnh Xuân Đăng.
Trong thời gian trung đoàn vừa ổn định tổ chức, vừa ổn định nơi ăn ở, thì ngày 23 tháng 12 phải tổ chức bộ phận đi trước chuẩn bị chiến trường gồm các đồng chí: Phan Chuẩn - Trung đoàn phó, đồng chí Đào Dũng Trí, một đồng chí trợ lý hậu cần, một phân đội chỉ huy thuộc tiểu đoàn 2 từ Thạch Thành tỉnh Thanh Hoá hành quân vào bản Ban (khu vực ngã ba đường 6 và đường 7 thuộc Xiêng Khoảng), tham gia chiến dịch phản công 139 ở Lào, đoàn mang mật danh là 112.
Sau một thời gian, vào tháng 2 năm 1970 trung đoàn tiếp tục hành quân làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào. Cơ quan trung đoàn và 2 tiểu đoàn: tiểu đoàn 2, tiểu đoàn 3 đưa lựu pháo 122, pháo canon nòng dài 85mm vào chiến đấu. Từ lãnh đạo, chỉ huy đã quán triệt nhiệm vụ và xác định rõ trách nhiệm. thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp bạn là tự giúp mình" vì tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào:
"Việt Lào hai nước chúng ta,
Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long".
Cán bộ, chiến sĩ cơ quan trung đoàn, tiểu đoàn 3 pháo 85mm được trang bị 12 khẩu và đại đội pháo 969 đơn vị tinh nhuệ1 (Đại đội pháo 969 đơn vị tinh nhuệ nguyên là đại đội 3 của tiểu đoàn 95 cũ được tổ chức lại để huấn luyện ở Sơn Tây vào tháng 9 năm 1969. Sự có mặt của đại đội chiến đấu để Bộ tư lệnh Binh chủng rút kinh nghiệm về cách đánh và tổ chức trang bị) bừng bừng khí thế ra trận trong tình cảm chia tay lưu luyến của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hoá.
Lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn trước khi nhận lệnh hành quân chiến đấu trên đất Lào đã thấy rõ những khó khăn thách thức đó là quá trình huấn luyện, các khoa mục tổ chức biên chế, trang bị đều lấy đối tượng Mỹ - ngụy ở chiến trường miền Nam, nhưng đơn vị lại tác chiến ở chiến trường Lào, đồng thời tình hình biên giới Việt - Lào bọn phỉ hoạt động phá hoại mạnh, địa hình rừng núi hiểm trở, đơn vị mang vác xe pháo nặng cồng kềnh, nhận nhiệm vụ gấp, hành quân liên tục, cán bộ, chiến sĩ chưa quen địa hình, thời tiết. Một số cán bộ, chiến sĩ chưa tin vào cách đánh mới của đơn vị.






Cuộc hành quân ra trận của Trung đoàn lần này thực sự khó khăn, gian khổ ác liệt gấp bội so với cuộc hành quân lần một. Đường hành quân lên phía Tây vừa nhỏ, hẹp dốc cao, ngầm sâu, đường quanh co khúc khuỷu. Có nhiều lần cán bộ, chiến sĩ phải tháo pháo để tiện vận chuyển qua địa hình phứt tạp, sau đó lắp lại để tiếp tục hành quân, cứ như vậy làm ảnh hưởng sức khỏe cán bộ, chiến sĩ. Từ chặng 2 hành quân, người phải vác đạn H12, mỗi người 1 đến 2 viên tương đương với 32kg, có ngày đơn vị đi liên tục 20 giờ, cán bộ chiến sĩ giúp đỡ nhau, người khoẻ gùi thêm cho người yếu, nổi lên như các đồng chí Lợi, Tuyết, Bái, Nhã, Thành, sốt rét vân cứ đi như các đồng chí Thọ, Mi, Bình, Thảo. Trên đường hành quân, đơn vị phải đối phó với không quân Mỹ ném bom, bọn biệt kích thám báo, bọn phỉ theo dõi phá hoại, tập kích. Gian khổ, ác liệt nhất mà đơn vị phải vượt qua ở khu vực từ đường 7 qua đèo Bưởi vào bản Ban. Tại đây địch khống chế cả trên không và mặt đất, xe tăng và pháo của ta không có đường vào chiếm lĩnh trận địa hành quân về phía trước. Trong bối cảnh dó trung đoàn lệnh cho đại đội 9 đặt pháo ngay trên mặt đường bắn vào đèo bưởi. Đánh bật địch, đơn vị pháo lúc này tạm thời chốt giữ vị trí hiểm yếu để các đơn vị hành quân chiến đấu. Đến đèo Đất, đại đội 5 bị máy bay địch oanh tạc, bọn thám báo và bộ binh địch sử dụng hỏa lực chặn đường tiến của ta. Dưới sự chí huy bình tĩnh dũng cảm đầy mưu trí của dại đội trưởng Đoàn Xuân Đạo, đơn vị sử dụng hỏa lực 12,7mm vừa nhằm thẳng máy bay bắn vừa hạ nòng cùng súng bộ binh, lựu đạn trong đơn vị giáng trả bọn địch, làm cho địch tổn thất hoảng hốt bỏ chạy, đơn vị tiếp tục đưa xe pháo tới đích an toàn, 100% quân số đến vị trí tập kết.
Từ ngày 7 tháng 3 đến ngày 19 tháng 4 năm 1970, 3 cơ quan, tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 3 đưa lựu 122 và canon 85 vào chiến đấu, trung đoàn đã đánh 3 trận, sử dụng đạn H12: 47 Viên, B41: 4 viên, tiêu diệt hơn 150 tên địch, phá huỷ 80 ô tô, 10 nhà tôn, phá hỏng 2 khẩu cồl 106,7mm và một khẩu ĐKZ75. Trung đoàn đã phối hợp với các đơn vị (Sư đoàn 312, 316) Trung đoàn bộ binh 880 (quân tình nguyện Việt Nam ở Lào) làm tê liệt sân bay Loong Chẹng (trung tâm của lực lượng phỉ Vàng Pao), mặc dù đơn vị gặp rất nhiều khó khăn vừa hành quân đường dài qua 14 ngày đêm liên tục nên cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mệt mỏi, địch hoạt động mạnh, chốt chặn đường vào điểm cao 1662, tổ trinh sát của Trung đoàn trong đêm 21 tháng 4 vào tiếp cận bị lộ, quay ra điểm cao 1978. Trước tình hình đó chỉ huy trung đoàn hạ quyết tâm: Dù khó khăn đến mấy cũng chấp hành mệnh lệnh nổ súng đúng thời gian quy định đã hợp đồng của trên. Lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn đã chủ động mời đồng chí phụ trách đơn vị đặc công và đồng chí phụ trách hỏa lực cối để bàn. Trung đoàn thay đổi trận địa bắn, lấy điểm cao 1484 xây dựng trận địa, lực lượng trinh sát đi trước 3 giờ, dùng vô tuyến điện để liến lạc giữa trinh sát với lực lượng vận chuyển đạn H12. Ta tổ chức 3 bộ phận thành một khối do đại đội 969 tổ chức bí mật luồn qua tuyến phòng thủ vòng ngoài, thọc sâu bất ngờ đánh vào sở chỉ huy của tướng phỉ Vàng Pao ở căn cứ Loong Chẹng (Lào). Đại đội 969 đơn vị tinh nhuệ đã sử dụng H12 bắn ứng dụng ở cự ly gần đã tiêu diệt được một số địch, phá hỏng nhà máy điện, 60 ô tô, đường băng sân bay của địch, làm cho tướng phỉ và binh lính trong căn cứ kinh hồn khiếp đảm bỏ chạy thoát thân, sân bay tê liệt trong 6 giờ. Còn trận địa chốt của đại đội 5 ở Buôn Loọng đã kiên cường bám trụ suốt 46 ngày đêm. Máy bay của địch thường xuyên oanh tạc, tính bình quân mỗi đầu người phải chịu 5 quả bom nhưng cán bộ, chiến sĩ trong đại đội vẫn kiên cường trụ vững. Trong thực tiễn chiến đấu đã có nhiều tấm gương mưu trí, linh hoạt, dũng cảm khi sử dụng chiến thuật nghi binh lừa địch, thu hút hỏa lực địch, bom đạn của địch trút vào trận địa giả để xe pháo đơn vị an toàn như đồng chí Nguyễn Văn Trọng. Với những thành tích chiến đấu dũng cảm, đồng chí Nguyễn Văn Trọng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương hạng hai.
Ngày 27 tháng 3 năm 1970, địch đổ bộ xuống điểm cao 1378, trung đoàn cho trinh sát bám mục tiêu. Khi nhận được lệnh của trên thì ngay đêm mùng 2 rạng ngày 3 tháng 4 đơn vị tổ chức đánh ngay điểm cao 1378. Đây là một trận chiến đấu, nhận nhiệm vụ rất khâu cấp đơn vị không có thời gian chuẩn bị, cán bộ, chiến si vừa ở Phu Một rút ra điểm cao 1978 hồi 8 giờ sáng ngày mùng 2 tháng 4. Nhưng do địch xuất hiện ở điển cao 1378 cấp trên lệnh cho đơn vị đánh ngay trong ngày 3 tháng 4 . Địch đã chốt chặn ở các điểm cao 1978-1484-1311 và trên đường đi vào điểm cao 1378. Nhưng với tinh thần chủ động sáng tạo, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ nên 05.30 sáng ngày 3 tháng 4, đơn vị đã chiếm lĩnh và chuẩn bị bắn xong, lúc 06.30 ngày 3 tháng 4 nổ súng, 12 quả đạn H12 tới tấp dội lên điểm cao 1378 tiêu diệt 60 tên lính, một sở chỉ huy, diệt 1 khẩu cối 106,7mm.
Trận đánh vị trí Sảm Thông đêm 11 rạng ngày 12 tháng 4 năm 1970 là một trận đánh không có thời gian chuẩn bị. Chiều ngày 10 tháng 2 đại đội 969 nhận nhiệm vụ từ trung đoàn, ngay tối hôm đó đơn vị đã tổ chức lực lượng trinh sát trận địa và mục tiêu, trong khi đó đạn còn ở vị trí tập kết cách một ngày đường, lãnh đạo, chỉ huy khẩn trương cùng một lúc tổ chức lực lượng vận chuyển đạn vừa tổ chức lực lượng trinh sát nắm địch vừa tổ chức lực lượng chiếm lĩnh trận địa, mặc dù địch cách ta chỉ 200-350m nhưng nhờ quán triệt giữ bí mật tốt nên đơn vị an toàn làm cho địch bất ngờ lúng túng đối phó.
Kết quá trận đánh ta chỉ sử dụng 12 quả đạn H12, 3 viên đạn B41 phá huỷ 10 nhà tôn, nhiều nhà bạt, 2 ô tô, 1 khẩu cối 106,7mm, 1 khẩu ĐKZ75, diệt và làm bị thương một số địch. Đây là một trận hiệp đồng giữa xung lực và hỏa lực, một trận đánh nhanh, tiêu diệt gọn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị được thủ trưởng Trung đoàn 148 và 174 đánh giá:
"Là một đơn vị mới thành lập, theo yêu cầu của cách đánh mới, lần đầu tiên chiến đấu ở chiến trường rừng núi nhưng đã khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành tốt mệnh lệnh, bắn chính xác làm cho bộ binh tin tưởng. Có quan điểm thương yêu đồng đội tốt Chấp hành chính sách tốt, tinh thần chiến dấu dũng cảm, tự lực cánh sinh, trong lúc khó khăn ác liệt thì vững vàng, quyết tâm tốt, không dao động, luôn giữ vững được khí thế, lạc quan tin tưởng, phát huy sáng kiến, đánh đúng ý định của trên, cán bộ xông xáo, đơn vị chiến đấu dũng cảm, dám vào gần địch để đánh thắng”1 (Nhận xét của đồng chí Trung đoàn trưởng Hoàng Chín (e148) và Trung đoàn trưởng Hồ Tân (e174) là hai đơn vị bộ binh tham gia chiến dịch Thượng Lào, lực lượng pháo binh của trung đoàn phối hợp chiến đấu. Tiểu đoàn 2 Trung đoàn pháo binh 16 sau này chuyển thành tiểu đoàn 42 tiếp tục ở bảo vệ vùng giải phóng Xiêng Khoảng, trở thành lực lượng pháo binh quân tình nguyện Việt Nam ở lào tiếp tục chiến đấu tham gia chiến dịch Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972).
Gương chiến đấu dũng cảm trong trận này tại điểm cao 1378, có tổ trinh sát như đồng chí Sinh, Hùng. Đồng chí Đoàn ba lần bị địch bắn bị thương vẫn kiên cường bám trụ chiến đấu, bắn trả quân địch quyết hệt. Tấm gương bình tĩnh gan dạ chiến đấu như tổ B41 của các đồng chí Sinh, Nghiêm, Trịnh trong trận địa bắn bị lộ vẫn bình tĩnh chủ động bắn vào mục tiêu chính xác, góp phần vào thắng lợi của trận đánh và chiến dịch 139.
Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, trung đoàn còn tổ chức một bộ phận gùi, thồ, suốt 3 tháng mùa mưa tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược cho chiến dịch, 100 tấn hàng góp phần bảo đảm cho các đơn vị có sức khoẻ, đủ vũ khí, đạn dược để chiến đấu.
Tổng kết chiến dịch 139, Trung đoàn pháo binh 16 đã tổ chức đánh 64 trận lớn nhỏ, trong đó có 10 trận hiệp đồng binh chủng, 50 trận đánh độc lập tiêu diệt hơn 1.300 tên địch, phá huỷ 80 ô tô vận tải, 12 khu vực nhà tôn, 2 khẩu cối 106,7mm, 2 khẩu ĐKZ75mm, 1 sở chỉ huy và nhiều phương tiện chiến tranh, góp phần cùng nhân dân, lực lượng vũ trang cách mạng Lào và các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Các đơn vị bạn như Sư đoàn 31 2, 316 đều khen ngợi tinh thần quốc tế cao cả, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, đồng cam cộng khổ khắc phục khó khăn, bắn đâu trúng đó, góp phần rất quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch. Đại đội 3, đại đội 5, đại đội 969 là những đơn vị tiêu biểu được tặng thưởng Huân chương Chiến công.
Ngày 15 tháng 10 năm 1970, Bộ tư lệnh Pháo binh lệnh cho Trung đoàn 16 sắp xếp lại lực lượng, để lại tiểu đoàn 2 tiếp tục chiến đấu ở Cánh Đồng Chum, trở thành lực lượng pháo binh của quân tình nguyện Lào, lực lượng còn lại của trung đoàn (trung đoàn bộ và tiểu đoàn 3) hành quân về biên giới tại huyện Con Cuông (Nghệ An) để tiếp tục củng cố, sau đó trung đoàn hành quân về Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tại đây đơn vị được cấp ủy chính quyền và nhân dân đón tiếp như con em của mình chiến đấu trở về quê hương.


Click chuột vào giữa ảnh để xem to hơn

6 nhận xét:

  1. cac bac co biet 1378 thuoc ban nao ko chau can thong tin
    do

    Trả lờiXóa
  2. @DMT:Thông tin bạn đưa ra quá ít ỏi, gửi yêu cầu cụ thể hơn về Email: tqtrung.0519.0101@gmail.com nhé!

    Không có bản nào mang số hiệu 1378, có thể đó là một cao điểm, ở Lào có rất nhiều điểm có cao độ như vậy, nếu bạn muốn biết thông tin thì cần nói rõ hơn, mới có thể tìm giúp được.

    Trả lờiXóa
  3. chau la duong manh thanh co chu la liet sy duong quang trong chau rat can thong tin ve diem cao 1378 tai tinh xieng khoang lao , dd 0983863255 phu yen sonla

    Trả lờiXóa
  4. chu chau thuoc c21e174f316 hy sinh ngay 5-5-1969 tai diem cao 1378 bac biet duoc thong tin gi cho chau xin so dien thoai. chau cam on

    Trả lờiXóa
  5. @DMT cháu nên vào trang web này để nhờ sự giúp đỡ, nhớ chụp ảnh giấy báo tử, làm đúng thủ tục để được giúp đỡ chi tiết.
    chú ý tìm gặp đồng đội cũ của LS tìm thêm tin tức.
    Theo chú biết thì liệt sỹ từ Cánh đồng chum đã được quy tập về nghĩa trang LS Việt lào ở Nghệ an, nhưng mất tên nhiều. Rất nhiều người nhà LS ở trong tình trạng của gia đình cháu,
    Nếu gia đình định tìm nơi hy sinh để đến thăm hoặc tìm kiếm mộ thì phải tìm hiểu nhiều thông tin hơn nữa.
    Cao điểm 1378, như cháu đọc thấy trong sử e16 pháo binh, chỉ là một cao điểm địch bất ngờ đổ quân lấn chiếm, vì vậy trên bản đồ không thể hiện riêng cao điểm này, chú sẽ cho cháu một trích đoạn bản đồ khu vực có đầy đủ các cao điểm trong bài viết,( Ở TRÊN BÀI ĐĂNG) cháu hãy tìm đến đồng đội cũ cùng đơn vị LS may ra họ nhận ra chăng.
    Nếu có gì cần hỏi cứ viết vào đây

    Trả lờiXóa
  6. Đây là đường dẫn đến trang Web dựng nước giữ nước.
    Bấm vào ĐÂY để xem.

    Trả lờiXóa

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.