Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Tin Quân sự 31-8-2012


Nga có tính toán chiến lược gì khi xây dựng quân sự ở Viễn Đông?
(GDVN) - Nga đang tích cực chủ động xây dựng quân sự ở khu vực Viễn Đông để ứng phó với các thách thức chiến lược trong tương lai.
Tân Hoa xã lại bình luận về quan hệ Mỹ - Việt, ván cờ Thái Bình Dương
Tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương và lời đồn đưa F-35 đến châu Á
Ảnh: Tập trận hải quân Mỹ - Nhật - Hàn TRILATEX trên Thái Bình Dương
Hải quân Nga sẽ triển khai 2 tàu ngầm lớp Borey ở Thái Bình Dương
Video: Chiến hạm Nga, Mỹ.… diễu võ dương oai trên Thái Bình Dương

Tàu săn ngầm cỡ lớn Shaposhnikov của Hạm đội Thái Bình Dương, Nga.
Tân Hoa xã vừa có bài viết cho rằng, hiện nay, Nga mạnh mẽ tuyên bố, tàu ngầm hạt nhân mới nhất Yuri Dolgoruky trang bị tên lửa Brava sẽ trang bị cho Hạm đội Thái Bình Dương trong năm nay. Đây là một động thái mới nhất của Nga trong việc tăng cường xây dựng lực lượng quân sự Viễn Đông.
Trước đó, quân Nga còn tuyên bố sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 ở bán đảo Kamchatka, hệ thống này cùng với 4 tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral hợp tác chế tạo với Pháp sẽ triển khai một bộ phận ở khu vực Viễn Đông.
Nga, nước vắt ngang đại lục Âu-Á tuy được mệnh danh là “chim ưng hai đầu”, nhưng hướng châu Âu luôn là phương hướng chiến lược chủ yếu, Viễn Đông lại là hậu phương chiến lược lớn.
Từ lâu, sự phát triển sức mạnh quân sự của Viễn Đông luôn phục vụ cho nhu cầu chiến lược của hướng châu Âu.
Đặc biệt là sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, do bị dồn nén chiến lược của NATO và sự chi phối của vấn đề Chechnya, trong xây dựng quân đội, nguồn lực có hạn của quân Nga càng coi trọng bảo đảm cho hướng phía tây và phía nam, còn kế hoạch tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự Viễn Đông thì phần lớn dừng lại trên giấy. Lúc này, Nga bất ngờ tăng tốc các bước xây dựng quân sự Viễn Đông là có sự tính toán chiến lược sâu sắc.
Trước hết, phục vụ cho sự phát triển của Viễn Đông, mở rộng ảnh hưởng thực tế ở khu vực. Từ lâu, trình độ phát triển kinh tế khu vực Viễn Đông luôn khá lạc hậu ở Nga.
Sau khi Putin quay trở lại Điện Kremlin, đã thành lập riêng Bộ Phát triển Viễn Đông, nhằm tận dụng cơ hội phát triển của châu Á-Thái Bình Dương để tăng cường sự phát triển toàn diện của khu vực Viễn Đông. Khu vực Viễn Đông có tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và tài nguyên sinh vật biển phong phú, tiềm năng khai thác, sử dụng rất lớn.
Trong khi đó, căn cứ vào “Chiến lược An ninh Quốc gia Liên bang Nga trước năm 2020”, Nga cũng mở rộng phạm vi sử dụng vũ lực tới lĩnh vực tranh giành nguồn năng lượng.
Nga tăng cường sức mạnh quân sự Viễn Đông cũng có sự tính toán sử dụng vũ lực khi cần thiết để bảo đảm quyền kiểm soát đối với nguồn năng lượng.


Nga sẽ triển khai tàu tấn công đổ bộ Mistral mua của Pháp ở khu vực Thái Bình Dương.
Ngoài ra, cùng với việc Mỹ mạnh mẽ “quay trở lại châu Á”, không ngừng tăng cường triển khai lực lượng ở khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt là việc tăng cường đồng minh Mỹ-Nhật, sự tăng cường hợp tác giữa Mỹ và ASEAN, đều làm tăng biến số cho tình hình chiến lược của khu vực.
Trong khi đó biển Okhotsk và quần đảo Nam Kuril (Nhật gọi là Bốn hòn đảo phương Bắc) trên hướng Hạm đội Thái Bình Dương có vị trí chiến lược rất quan trọng, là trận địa lý tưởng để Nga theo dõi hoạt động quân sự hải, không quân của Nhật-Mỹ và thu thập tin tức tình báo có liên quan.
Là một nước lớn của Âu-Á, Nga tăng cường triển khai lực lượng trên hướng này, lo trước tính sau trong xây dựng quân sự, cũng là một phương diện quan trọng để tăng cường vai trò ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ hai, đặt chân bố trí lâu dài, ứng phó với các thách thức chiến lược trong tương lai. Sự co cụm chiến lược của Mỹ dưới sự tác động ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, về khách quan đã cải thiện hoàn cảnh chiến lược của Nga, quan hệ giữa Nga với NATO và EU cũng từng bước được cải thiện, nâng cấp, vai trò ảnh hưởng ở khu vực Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS, hay SNG) tăng lên rõ rệt.
Nhưng, ý đồ chiến lược làm suy yếu Nga của Mỹ hoàn toàn không giảm đi, tâm lý đề phòng Mỹ của Nga cũng không giảm đi, nắm chắc thời cơ có lợi hiện nay, tăng cường xây dựng sức mạnh quân sự Viễn Đông cũng là sự bố trí trước ứng phó với các thách thức chiến lược tương lai.Cùng với việc thực hiện chương trình “phòng thủ tên lửa Đông Âu” và “Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu” (Prompt Global Strike, PGS), Nga đặc biệt nhấn mạnh phải tăng cường xây dựng lực lượng hạt nhân chiến lược có độ tin cậy, hơn nữa sẽ di chuyển nhiều căn cứ phóng tên lửa hơn tới Viễn Đông, tăng cường xây dựng khả năng cảnh báo sớm tên lửa và giám sát vũ trụ trên hướng này, điều này đã trở thành một sự lựa chọn tự nhiên.
Nga tổ chức cuộc diễn tập chiến lược, chiến dịch “Phương Đông-2010” ở khu vực Viễn Đông có quy mô lớn nhất từ khi Liên Xô tan rã đến nay, xây dựng bãi phóng hàng không vũ trụ ở hướng Đông, bắt đầu sử dụng hệ thống radar Voronezh-M mới, đều có tính toán đến việc tăng cường xây dựng sức mạnh có chiều sâu, ứng phó với các thách thức chiến lược tương lai.

Radar cảnh báo tên lửa Voronezh của Nga.

Hệ thống tên lửa S-400 Nga

Quân đội Trung Quốc khoe khoang dàn tên lửa hạt nhân

Tên lửa Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh - Ảnh: Reuters

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) khẳng định họ có thể phóng tên lửa hạt nhân từ mọi địa điểm trong nước và gọi đó là bước nhảy vọt lịch sử. Theo đó, các tên lửa hạt nhân Trung Quốc có thể được phóng nhanh chóng và chính xác trong một bước phát triển được mô tả là “ngoài sức tưởng tượng”. Theo tờ South China Morning Post, Quân đoàn Pháo binh số 2, tức lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc, khẳng định hôm 27.8 rằng họ đã thực hiện “sự chuyển đổi chiến lược” về năng lực vũ khí.
Tin tức được đưa ra sau khi có nhiều tường thuật của phương Tây về việc Quân đoàn Pháo binh số 2 thử một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ thứ 3 có tên Đông Phong-41 vào tháng trước. Với tầm bắn lên đến 14.000 km và có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân, loại tên lửa này được cho là có thể đe dọa mọi thành phố của nước Mỹ. Tờ PLA Daily tiết lộ trong mùa hè này, một số lữ đoàn thuộc Quân đoàn Pháo binh số 2 đã tiến hành các đợt thử tên lửa thành công tại các sa mạc ở tây bắc, khu vực núi đồi và sông nước ở đông nam và rừng rậm tại phía nam. Ông Antony Wong Dong, Chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế ở Ma Cao, nhận xét với tờ South China Morning Post: “Một trong những thông điệp chính yếu… là nói với phía Mỹ rằng các tên lửa của PLA cơ động hơn những gì họ tưởng tượng trước đây”. Theo ông Wong, bài báo của PLA Daily được chú trọng bởi các nhà quan sát quân sự, đặc biệt khi nó được đăng tải sau những động thái tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Nhật, bao gồm việc tổ chức cuộc tập trận đổ bộ chiếm đảo ở Guam và sự hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng lá chắn tên lửa.
Ông Wong bổ sung rằng bài báo cũng có thể được xem là phản ứng với những tường thuật bên ngoài về vụ thử ICBM thế hệ thứ 3. Ông Andrei Chang, Tổng biên tập của tuần san quốc phòng Kanwa Asian tại Canada, đánh giá: “Nếu tính cơ động của các tên lửa được nâng cấp, PLA có thể che giấu chúng tại bất kỳ nơi đâu trước khi phóng… Khả năng phản công của họ sẽ được tăng cường đáng kể”. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về những bước phát triển quân sự và an ninh mới nhất của PLA, việc giới thiệu hệ thống cơ động hơn tạo ra những thách thức về điều khiển và chỉ huy. Báo cáo đánh giá các tên lửa di động trên bộ có thể đối mặt với những vấn đề, bao gồm năng lực thông tin liên lạc hạn chế và thiếu kinh nghiệm trong việc kiểm soát hệ thống phóng di động trên bộ trong thời chiến.
Nguồn Báo Thanh Niên

5 năm nữa Hàng không mẫu hạm Thi Lang mới đủ khả năng tác chiến

Hàng không mẫu hạm duy nhất hiện có của Trung Quốc (Thi Lang), chiến hạm được lên kế hoạch chuyển giao cho hải quân nước này vào cuối năm 2012, sẽ chưa đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu cho tới năm 2017. Thông tin này đã được tờ báo Shanghai Daily dẫn lời phát ngôn viên Học viện Hải quân Trung Quốc, Đại tá Li Jie. Theo đó, quá trình chạy thử và kiểm tra hệ thống của tàu sân bay Thi Lan sẽ cần ít nhất 3 năm và phải cần tới 5 năm nữa, chiến hạm này mới có khả năng tác chiến thực thụ.



Ảnh minh họa/ Internet

Ông L. Jie cũng cho biết, từ ngày 27-8, Thi Lang đã bắt đầu giai đoạn chạy thử độc lập mới. Khu vực chạy thử của Thi Lang được bảo vệ bởi các khu trục hạm, tuần dương hạm, khinh hạm và một số tàu ngầm Trung Quốc. Căn cứ vào các bức ảnh được bố, trong quá trình chạy thử, Thi Lang đã thử nghiệm khả năng hỗ trợ chiến đấu cơ hạ cánh trên boong. Được sửa chữa dựa trên khung tuần dương hạm tên lửa mang máy bay Varyag thuộc Đồ án 1143.6 của Liên xô, năm 1998, Trung Quốc đã mua lại khung thân chiến hạm này từ Ukraine với giá phế liệu. Ban đầu, Varyag được nghiên cứu để biến thành một sòng bạc nổi trên biển. Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc đã thay đổi kế hoạch khôi phục lại chiếc tàu sân bay này và Thi Lang bắt đầu chạy thử từ tháng 12-2011.
Nguồn Báo Quân đội nhân dân

Mỹ hoàn thành hợp đồng chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Morocco
Ngày 22-8, tại cơ sở ở thành phố Fort Worth, bang Texas, hãng Lockheed Martin đã chuyển giao cho phía Morocco 3 chiến đấu cơ F-16 Block 52 cuối cùng trong hợp đồng bán 24 máy bay loại này. Sau lễ chuyển giao, các máy bay F-16 trên đã lên đường về căn cứ đóng quân tại Morocco. Tháng 12-2007, Mỹ và Morocco đã đạt được thỏa thuận cung cấp 24 chiến đấu cơ F-16 Block 52 trị giá 2,4 tỉ USD. Hợp đồng này bao gồm cả vũ khí và dịch vụ hậu cần kèm theo. Sau đó, hợp đồng này được Cơ quan hợp tác quốc phòng và an ninh Mỹ (DSCA) đệ trình lên Quốc hội Mỹ và được thông qua.



F-16 Block 52.

Cuối tháng 5-2008, Morocco đã giải ngân gói tài chính đầu tiên của hợp đồng trên trị giá 233,3 triệu USD. Theo đó, quân đội Morocco được cung cấp 18 máy bay F-16C phiên bản một chỗ ngồi và 6 máy bay F-16D phiên bản hai chỗ ngồi. Chiến đấu cơ F-16 của Morocco được trang bị động cơ phản lực F100-PW-229 EEP (Engine Enhancement Package) và ra-đa hàng không AN/APG-68(V)9. Được triển khai tại căn cứ không quân Ben Gerir, phía Bắc Morocco, các chiến đấu cơ F-16 mới thay thế vị trí của các đơn vị máy bay F-5 và Mirage cũ của không quân quốc gia Bắc Phi này. Đang nằm trong biên chế quân đội 25 quốc gia trên thế giới, chiến đấu cơ đa nhiệm hạng trung F-16 được coi là một trong những dòng máy bay quân sự phổ biến nhất thế giới. Hiện tại, Lockheed Martin đang thực hiện hợp đồng cung cấp máy bay loại này cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Oman và Iraq.
Nguồn Báo Quân đội nhân dân

Nga chạy đua với Mỹ về công nghệ siêu thanh
Nga đang nỗ lực chế tạo một phương tiện vận chuyển siêu thanh với mục tiêu triển khai vệ tinh vào quỹ đạo. Dự án này dựa một phần trên công nghệ ứng dụng trong chiến đấu cơ Su-27. Hãng thông tấn RIA-Novosti vừa thu thập được những tài liệu thuộc về Phòng Thiết kế Không gian của cơ quan nghiên cứu NPO Molniya, theo đó Nga đang có kế hoạch phát triển một thiết bị dòng vận tải siêu thanh gọi là Hammer. “Giai đoạn đầu của dự án được thiết kế cho các cấu hình bên trong và bên ngoài của thiết bị phóng siêu thanh không người lái Hammer”, RIA-Novosti dẫn thông tin từ tài liệu trên. Hammer sẽ có khả năng mang theo những vệ tinh nhỏ nặng đến 770 kg vào quỹ đạo Trái đất từ độ cao 200 - 500 km cách mặt đất. Hammer được thiết kế dựa trên một phần công nghệ động cơ quạt tuabin vốn được sử dụng ở dòng chiến đấu cơ Su-27. Phương tiện siêu thanh này có khả năng phóng lên quỹ đạo qui định, thả vệ tinh mang theo và trở về căn cứ. Hammer có thể sử dụng cho cả mục tiêu quân sự lẫn dân sự. Trong một diễn biến liên quan, dự án phóng thử thiết bị siêu thanh không người lái X-51 Waverider của Mỹ đã thất bại hồi tuần rồi do lỗi kỹ thuật.



X-51 Waverider bên dưới B-52 trước khi phóng - Ảnh: NASA

Tuy nhiên, phát biểu trên đài Rossiya 24, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin khẳng định quân đội nước này sẽ quyết tâm theo đuổi công nghệ hàng không siêu thanh với mục tiêu không thể thua Mỹ.
Nguồn Báo Thanh Niên

Philippines xem xét tuần tra biển chung với Indonesia, Malaysia
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin ngày 30.8 cho biết nước ông, Indonesia và Malaysia đang cân nhắc tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biên giới biển của ba nước nhằm chống cướp biển, buôn lậu và sự di chuyển của các tay súng liên quan đến mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, theo hãng tin AP. Người đứng đầu Bộ quốc phòng Philippines cho biết, đề nghị trên được thảo luận trong các cuộc gặp đầu tuần này với những người đồng cấp Indonesia và Malaysia, vốn đến Philippines để thăm binh lính của họ đang tham gia những nỗ lực củng cố thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng Philippines với các tay súng Hồi giáo ở miền nam nước này.


Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin - Ảnh: Reuters
"Philippines đã từng cân nhắc các cuộc tuần tra hải quân chung với Indonesia hoặc Malaysia trước đây, nhưng nỗ lực của ba bên sẽ cải thiện đáng kể an ninh trong khu vực đầy rủi ro này", ông Gazmin nói. Các nước Đông Nam Á có chung đường biên giới biển, nơi các hoạt động buôn người và vũ khí, cướp biển và những sự di chuyển của các tay súng có liên hệ với al-Qaeda lâu nay là các nỗi lo lớn. Vào năm 2000, các tay súng của nhóm Abu Sayyaf đã vượt biên giới bằng xuồng cao tốc và bắt cóc 21 du khách châu Âu, công nhân Malaysia và Philippines từ khu du lịch lặn Sipadan của Malaysia và đưa họ về các cứ điểm trong rừng già ở miền nam Philippines, nơi các nạn nhân được thả ra sau khi nộp tiền chuộc. Indonesia cũng lo ngại về tình trạng buôn lậu vũ khí từ miền nam Philippines sang Indonesia, nơi chúng có thể rơi vào tay của các chiến binh Hồi giáo. Ông Gazmin nói chính quyền của ba nước sẽ nghiên cứu đề xuất tiến hành các cuộc tuần tra hải quân chung, cũng như những cuộc trao đổi thông tin và những giải pháp phản ứng nhanh nhằm đối phó với tình trạng nguy cấp trên biển và tội phạm xuyên biên giới.
Nguồn Báo Thanh Niên

Thái Lan trang bị trực thăng Eurocopter

Chính phủ Thái Lan ngày 29.8 đã quyết định chi gần 4 tỉ baht (khoảng 100 triệu USD) để mua 4 máy bay trực thăng của hãng Eurocopter, theo hãng tin AFP. Phó thủ tướng Thái Lan Yutthasak Sasiprapa cho biết Eurocopter sẽ giúp Thái Lan làm mới lại đội bay đã quá lỗi thời của quốc gia này.



Một chiếc trực thăng Cougar EC 725 của Eurocopter - Ảnh: AFP
Các máy bay trực thăng mới mua về sẽ được sử dụng trong những chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ, thay cho đội trực thăng Huey do Mỹ sản xuất đã có từ 40 năm nay. Một quan chức cao cấp của quân đội Thái Lan cho biết loại trực thăng mà Thái Lan đặt mua là Cougar EC 725, vốn có khả năng vận chuyển binh lính. Eurocopter, một trong những nhà sản xuất trực thăng dân dụng hàng đầu thế giới, là công ty con Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng châu Âu (EADS).
Nguồn Báo Thanh Niên

Trung Quốc triển khai máy bay do thám không người lái trên biển



Máy bay không người lái - Ảnh: AFP
Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc thông báo hôm 29.8 rằng các máy bay không người lái (UAV) sẽ được triển khai dọc bờ biển nước này để thực hiện các sứ mệnh do thám trên biển. Tân Hoa xã dẫn lời ông Vu Thanh Tùng, quan chức thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cho biết dự án cũng bao gồm việc xây dựng 11 căn cứ UAV do các cơ quan hàng hải cấp tỉnh phụ trách. Hiện chưa có chi tiết về quy mô cũng như thời gian biểu của dự án song ông Vu lưu ý rằng ít nhất mỗi căn cứ sẽ được triển khai một UAV. Một chương trình thử nghiệm có liên quan đã được thực hiện vào cuối năm 2011 khi tỉnh Liêu Ninh chụp thành công những bức không ảnh trên khu vực biển có diện tích 980 km vuông bằng các UAV thuê. Nhà chức trách địa phương cho biết họ có thể sử dụng những bức ảnh có độ phân giải cao để phát hiện các hoạt động khai thác cát trái phép cũng như theo dõi môi trường biển dọc bờ biển và các hòn đảo. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post dẫn lời đại tá Lý Kiệt, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định việc thành lập các căn cứ UAV ở dọc bờ biển có thể giúp nước này bảo vệ lãnh thổ trên biển về lâu dài. “Những UAV nội địa đã đạt đến mức độ phát triển nhất định sau khi vượt qua nhiều vấn đề kỹ thuật, cho phép các máy bay có thể hoạt động lâu hơn trên biển… Các UAV khó phát hiện và việc sử dụng chúng không mang lại rủi ro về nhân mạng, vì thế chúng có thể được sử dụng để theo dõi mọi phương tiện bay của nước ngoài tại lãnh thổ trên biển của chúng ta”, ông Lý Kiệt nói. Bộ Quốc phòng Nhật từng báo cáo về việc ba chiếc tàu chiến của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thực hiện những cuộc diễn tập cất cánh và hạ cánh với sự tham gia của các UAV vào tháng 4 ở Thái Bình Dương.
Nguồn Báo Thanh Niên

Tham vọng “tàu đổ bộ” của Trung Quốc
Gần đây, các chuyên trang quân sự liên tục đăng tải hình ảnh cho thấy ngày càng có nhiều tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) xuất hiện trong các xưởng đóng tàu của hải quân Trung Quốc. Trong đó, tàu đệm khí lớp Jingsah II dài 22 m, nặng 70 tấn, chở được 15 tấn hàng hóa hoặc khí tài/thiết bị trở nên đặc biệt nổi bật. Theo giới chuyên gia, Bắc Kinh đang đóng hàng loạt tàu loại này để triển khai cùng đội tàu mẹ đổ bộ (LPD) lớp 071. Đến nay, tàu mẹ đổ bộ lớp 071 được xem là chiến hạm lớn nhất của Trung Quốc khi tàu sân bay đầu tiên của nước này chưa chính thức hoạt động.
Tăng cường năng lực đổ bộ
Theo chuyên trang quân sự Strategypage.com, Trung Quốc hồi năm ngoái đã đưa chiếc thứ 2, mang tên Tỉnh Cương Sơn, thuộc nhóm LPD lớp 071 vào biên chế hạm đội Nam Hải. Trước đó, chiếc đầu tiên có tên gọi là Côn Lôn Sơn cách đây 4 năm cũng đã được biên chế vào hạm đội Nam Hải. Ngoài ra, chiếc thứ 3 thuộc lớp tàu này hiện trong giai đoạn hoàn thiện và Bắc Kinh sẵn sàng đóng thêm chiếc thứ 4 để tiến đến mục tiêu sở hữu 6 chiếc LPD lớp 071.







Bản vẽ mô tả tàu mẹ đổ bộ lớp 071 và các khí tài nổi bật kèm theo - Đồ họa: Hoàng Đình

- Ảnh: Hobbyshanghai.net

Với chiều dài 210 m và nặng 20.000 tấn, LPD lớp 071 có bãi đáp cho 2 chiếc trực thăng và có thể mang theo tổng cộng 4 trực thăng quân sự loại Z-8 hoặc Z-9. Ngoài ra, mỗi chiếc tàu lớp 071 còn có thể mang theo 4 tàu đổ bộ đệm khí, 2 tàu chiến loại nhỏ cùng 800 binh lính, 20 xe bọc thép. Bên cạnh đó, loại tàu mẹ đổ bộ này được trang bị 1 khẩu pháo 76 li, 4 pháo 30 li tự động chống tên lửa để phòng thủ trong lúc vận chuyển lực lượng tấn công. Ước tính, mỗi chiếc LPD lớp 071 trị giá khoảng 300 triệu USD. Mặc dù nằm cùng hạng với tàu lớp San Antonio (Mỹ) 25.000 tấn hoặc tàu Mistral (Pháp) 21.500 tấn, nhưng tàu lớp 071 chỉ cần đến thủy thủ đoàn 120 người để vận hành, ít hơn đáng kể so với con số 180 của tàu Mistral hay 396 của tàu San Antonio. Song hành cùng việc bổ sung tàu LPD, Bắc Kinh còn tăng cường phát triển LCAC. Trước đây, các LCAC do Trung Quốc tự chế tạo chỉ có thể chở khoảng 20 binh sĩ hoặc 2 tấn hàng hóa. Tuy nhiên, từ năm 2005, Bắc Kinh chế tạo tàu Jingsah II để sở hữu những chiếc LCAC lớn hơn. Cũng trong năm 2005, Bắc Kinh còn mua thêm một số tàu thuộc lớp Zubr vốn do Nga cung cấp, đây là tàu đệm khí đổ bộ lớn nhất thế giới và còn có tên gọi theo NATO là Pomornik. Tàu đệm khí lớp Zubr đủ sức mang theo 130 tấn thiết bị khí tài nên có thể chở đến 3 xe tăng cùng xe bọc thép tấn công hạng nhẹ. Ngoài ra, tàu Zubr còn có 2 hệ thống pháo phản lực đa nòng, 4 hệ thống tên lửa đối không tầm ngắn và 2 khẩu pháo cận chiến AK-630 cỡ nòng 30 li. Với tốc độ tối đa 100 km/giờ, loại tàu đổ bộ này có thể di chuyển nhanh chóng thẳng từ Trung Quốc đại lục đến Đài Loan. Đến nay, Trung Quốc đã mua 2 chiếc Zubr từ Ukraine và đang đóng thêm 2 chiếc với mức giá khoảng 10 triệu USD mỗi tàu. Theo trang Strategypage.com, Bắc Kinh có thể đang tìm cách tự đóng loại LCAC ngang ngửa với Zubr.

Hải quân Trung Quốc bị chê yếu
Tuy nhiên, dù liên tục nỗ lực tăng cường lực lượng tàu chiến nhưng hải quân Trung Quốc vẫn bị đánh giá là “hạm đội duyên hải”, thiếu khả năng viễn chinh. Theo trang Strategypage.com dẫn đánh giá của Cục Tình báo hải quân Mỹ cho rằng hải quân Trung Quốc chỉ có thể mạnh hơn nếu Bắc Kinh thường xuyên “nhúng nước” các đội tàu của mình. Trong một thập niên qua, hải quân nước này hoạt động xa nhất là đến Somalia, cách “sân nhà” khoảng 10.000 km, tham gia sứ mệnh chống cướp biển ở vịnh Aden. Hiện tại, Bắc Kinh có 74 tàu khu trục các loại nên phải cần thêm từ 4 - 5 năm để triển khai luân phiên toàn bộ số tàu này đến trải nghiệm thực tế tại vùng biển ngoài khơi Somalia. Đến trước năm 2005, chưa có chiếc nào trong số 50 tàu ngầm của Trung Quốc trải qua những hành trình xa bờ. Từ sau năm 2008, khả năng hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc được cải thiện nhưng vẫn chưa đủ sức giúp nước này đạt tiêu chuẩn cường quốc hải quân mà phương Tây đề ra. Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhận định rằng Bắc Kinh tập trung quá nhiều vào tấn công mà bỏ lơ phòng thủ. Các loại tàu chiến hiện đại của Trung Quốc thiếu khả năng chống tàu ngầm, không được trang bị những loại thiết bị định vị sóng âm cực nhạy. Đồng thời, tàu chiến Trung Quốc, đặc biệt là tàu hỗ trợ, khó đủ sức chống lại thủy lôi. Vì thế, khả năng tác chiến của hải quân nước này có thể bị vô hiệu hóa khi đối phương tổ chức trận địa thủy lôi dày đặc. Cùng quan điểm, tờ Đông phương Nhật báo của Hồng Kông từng đăng bài đánh giá rằng điểm yếu nhất của hải quân Trung Quốc là thiếu hẳn lực lượng không quân và lính thủy đánh bộ đủ sức phối hợp, hỗ trợ hiệu quả cho hải quân.

Tổng hợp từ các nguồn đã dẫn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.