Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Tin Quân sự

Nhà sản xuất của Nga chính thức hạ thủy chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên trong loạt sáu chiếc Việt Nam đặt mua.



Bộ phận báo chí của Công ty Cổ phần Nhà máy đóng tàu Admiralteisky loan báo hôm thứ Ba 28/8 rằng nhà máy này sẽ hạ thủy tàu ngầm Project 636 trong ngày.
Sau khi hạ thủy, chiếc tàu ngầm này sẽ được thử nghiệm để chuyển cho Việt Nam "vào mùa xuân năm 2013".
Cuối năm 2009, Nga và Việt Nam đã ký một hợp đồng cung cấp sáu tàu ngầm Project 636 "Kilo" dùng cả dầu diesel và điện năng, trị giá khoảng 2 tỷ đôla, cho Việt Nam.
Cũng theo bộ phận báo chí của nhà máy này, trong tháng Tám vừa qua, Nhà máy đóng tàu Admiralteisky đã ký kết với tập đoàn bảo hiểm SOGAZ một hợp đồng bảo hiểm cho loạt sáu tàu ngầm Project 636 của Việt Nam với giá trị bảo hiểm là 2 tỷ đôla.
Hợp đồng bảo hiểm này có hiệu lực cho đến tháng 9/2016 và bao gồm "các lần hạ thủy tàu ngầm, thực hiện neo đậu, thử nghiệm tại nhà máy sản xuất và kiểm tra cấp nhà nước, đồng thời bao gồm cả việc thực hành các thao tác trên tàu và vận chuyển cho tới khi chuyển giao cho khách hàng".
Sớm trước thời hạn
Nhà máy Admiralteisky chuyên về đóng tàu ngầm và tàu nổi chở dầu.
Đây là công ty cổ phần nhưng có sự tham gia đặc biệt của Nhà nước Nga.
Nếu như mọi việc suôn sẻ, toàn bộ hợp đồng sáu chiếc tàu ngầm sẽ được thực hiện trước năm 2016, sớm trước thời hạn dự tính từ trước là hai năm.
Việc đẩ̉y nhanh tiến độ này được cho là do nhu cầu đòi hỏi, nhất là trong tăng cường năng lực phòng thủ biển của Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh từng nói rằng tàu ngầm là "một trong nhiều nội dung của chủ trương hiện đại hóa quân đội" của Việt Nam.
Tuy nhiên ông khẳng định quân đội Việt Nam chỉ sử dụng loại vũ khí đặc biệt này "vào mục đích bảo vệ Tổ quốc", tức tự vệ.
Indonesia cũng đang chuẩn bị nhận ba tàu ngầm diesel-điện từ Nam Hàn. Hiện Indonesia chỉ có hai tàu ngầm loại cũ, nhưng Jakarta muốn tăng con số này lên 10 chiếc trong vòng 12 năm tới.

Ba Lan lập kế hoạch "thay máu" lực lượng tăng-thiết giáp
Bộ Tư lệnh lục quân Ba Lan đang lập kế hoạch tới năm 2018 sẽ tiếp nhận các đơn vị tăng-thiết giáp mới. Tuần báo quân sự Jane's Defence Weekly dẫn lời Cục trưởng Cục Xe thiết giáp và phương tiện cơ giới Ba Lan, Đại tá Dariusz Gornyak, đăng tải, quân đội nước này sẽ bắt đầu chương trình hiện đại hóa lực lượng tăng thiết giáp từ năm 2014. Theo đó, lục quân Ba Lan sẽ tiếp nhận 300-500 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) mới để thay thế cho 584 MBT T-72 và 232 MBT PT-91 hiện có. MBT mới sẽ sử dụng pháo chính cỡ 120mm. Ngoài ra, lực lượng này được cung cấp 1.000-1.500 xe thiết giáp bánh xích mới thay thế cho xe chiến đấu bộ binh BMP-1 và MT-LB gồm nhiều phiên bản khác nhau như: xe trinh sát, cối tự hành và xe cứu thương chiến trường.

MBT PT-91.
Phương tiện chiến đấu bộ binh mới của Ba Lan sẽ được trang bị pháo tự động 30-40mm sử dụng đạn kích nổ điện tử và khả năng hoạt động dưới nước. Năm 2008, Ba Lan đã bắt tay vào phát triển thế hệ MBT mới với tên gọi Vilk sử dụng khung gầm xe thiết giáp hạng nặng đa dụng. Từ khung gầm này, Ba Lan có thể phát triển các dòng xe thiết giáp hạng nặng, pháo chống tăng... Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đã thay đổi, lục quân Ba Lan yêu cầu một khung gầm xe thiết giáo đa dụng có kết cầu mô-đun để phù hợp cho việc phát triển xe chiến đấu bộ binh và MBT có trọng tải tới 50 tấn mới. Hiện tại, lục quân Ba Lan đang sở hữu 350 MBT T-72A/M1/M1D, 232 MBT PT-91, 1170 xe BWP-1, xe bọc thép chở quân BWR-1D/S và 300 xe MT-LB.
Nguồn Báo Quân đội Nhân dân

Nga hạ thủy một tàu ngầm diesel-điện mới cho đối tác nước ngoài
Xưởng đóng tàu Admiralty Shipyard tại thành phố Saint Petersburg vừa hạ thủy một tàu ngầm diesel-điện mới thuộc Đồ án 636.1 (lớp Kilo). Theo Itar-Tass, tàu ngầm này nằm trong đơn đặt hàng của một đối tác nước ngoài. Thông tin về khách hàng đặt mua chiếc tàu ngầm lớp Kilo nói trên không được tiết lộ. Tuy nhiên, Nga hiện thực hiện một loạt hợp đồng đóng tàu ngầm lớp Kilo cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có khu vực châu Á-Thái Bình Dương.



Ảnh minh họa/ Internet
Theo kế hoạch của hải quân Nga, tới năm 2017, lực lượng này sẽ tiếp nhận đủ 6 tàu ngầm thuộc Đồ án 636.3 Varshavyanka (phiên bản nội địa của tàu ngầm lớp Kilo). Chiếc tàu ngầm đầu tiên trong hợp đồng này mang tên Novorossiysk đã được chuyển giao cho hải quân Nga năm 2010, chiếc thứ 2 là Rostov-on-Don hồi tháng 11-2011 và chiếc thứ 3 là Stary Oskol vào tháng 8-2012. Là sản phẩm của Tổ hợp thiết kế hàng hải Rubin, tàu ngầm thuộc Đồ án 636.3 nổi tiếng ở việc hoạt động với độ phát ồn thấp. Vì đặc điểm khác biệt này, các chuyên gia quân sự NATO đã gọi tàu ngầm Varshavyanka là "hố đen". Với tổng lượng choán nước đạt 3.950 tấn, tàu ngầm lớp Kilo có thể đạt tốc đô di chuyển tới 20 hải lý/giờ và dự trữ hành trình đạt 20 ngày. Hỏa lực của tàu ngầm thuộc lớp này là 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm có thể phóng tên lửa diệt hạm và thả thủy lôi.
Nguồn Báo Quân đội Nhân dân

Ấn Độ lên kế hoạch trang bị tên lửa BrahMos cho chiến đấu cơ Super Sukhoi
Trong tương lai gần, quân đội Ấn Độ đang lên kế hoạch chi 1,17 tỉ USD mua 216 đạn tên lửa hành trình siêu thành BrahMos trang bị cho 42 chiến đấu cơ Su-30MKI nâng cấp lên chuẩn Super Sukhoi. Theo trang tin Times of India, Hội đồng an ninh trực thuộc Quốc hội Ấn Độ sắp nhóm họp để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề trên. Theo đó, quân đội Ấn Độ sẽ tính toán các phương án kỹ thuật cho việc trang bị phiên bản không đối đất của tên lửa BrahMos lên máy bay Su-30MKI.



Ảnh minh họa/ Internet
Dự kiến, chính phủ Ấn Độ sẽ sử dụng 2 chiến đấu cơ Su-30MKI Super Sukhoi đầu tiên cho quá trình thử nghiệm tích hợp tên lửa BrahMos lên khoang. Sau khi thành công, việc áp dụng sẽ được mở rộng ra 40 máy bay cùng loại. Chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch này là công ty BrahMos Aerospace và Hindustan Aeronautics (HAL). Nga cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho phía Ấn Độ. Hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời giám đốc Tổ hợp chế tạo hàng không Irkutsk, Alexander Veprev, đăng tải, hợp đồng nâng cấp 42 máy bay Su-30MKI của Ấn Độ lên chuẩn Super Sukhoi đang được lên kế hoạch ký ngay trong quý 3 năm 2012.
Nguồn Báo Quân đội Nhân dân

Tư lệnh Không quân Singapore thăm Quân chủng Phòng không-Không quân QKQD
Ngày 21-8, đoàn cán bộ cấp cao Không quân Singapore do Thiếu tướng Ưng Chi Minh, Tư lệnh dẫn đầu đã đến thăm Quân chủng PK-KQ. Đón tiếp đoàn tại Bộ Tư lệnh có Trung tướng Phương Minh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh và đại diện các cơ quan Quân chủng.



Trung tướng Phương Minh Hòa tặng hoa Thiếu tướng Ưng Chi Minh
Tại buổi tiếp, Trung tướng Phương Minh Hoà đã giới thiệu khái quát về quá trình chiến đấu, xây dựng và phát triển của Quân chủng PK-KQ Việt Nam. Đồng chí Tư lệnh nhấn mạnh: Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, ngày nay, cán bộ, chiến sĩ, CNVCQP của Quân chủng đã luôn nỗ lực không ngừng để xây dựng Quân chủng PK-KQ ngày càng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong không khí hữu nghị, thân tình, hai bên đã trao đổi một số vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo một số chuyên ngành tham mưu, kỹ thuật về không quân và khoa học công nghệ. Hai bên cũng thống nhất cần tăng cường giao lưu, trao đổi nhằm nâng cao sự hiểu biết và học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong lĩnh vực Không quân, tìm kiếm cứu nạn trên biển, kinh nghiệm tổ chức và chỉ huy bay giữa hai nước.

Đồng chí Tư lệnh Quân chủng PK-KQ Việt Nam tiếp Tư lệnh Không quân Singapore .
Thiếu tướng Ưng Chi Minh đã bày tỏ sự khâm phục đối với nhân dân Việt Nam, QĐND Việt Nam nói chung, cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ Việt Nam nói riêng, đã anh dũng chiến đấu giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong thời gian ở Việt Nam, đoàn đã viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đến thăm một số đơn vị, nhà trường của Quân chủng.

Nguồn Báo Quân đội Nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.