Xuất phát từ bề dày truyền thống “chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng” và nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo, pháo binh Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
(Đất Việt) Kỳ 6: Bước tiến vượt bậc
Trong buổi trao đổi với Đất Việt về xu hướng pháo binh thế giới và tiềm lực của pháo binh Việt Nam, Đại tá Bùi Xuân Mai, người từng gắn bó với binh chủng pháo binh 25 năm, cho biết: Thời gian qua, pháo binh Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, luôn luôn là hỏa lực chính của lục quân Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
- Xin ông cho biết xu hướng phát triển của pháo binh thế giới hiện nay và trong tương lai?
Xu hướng chung của thế giới hiện nay vẫn khẳng định pháo binh là hỏa lực chính của lục quân. Do đó, các nước đều thực hiện các bước hiện đại hóa lực lượng này để đáp ứng nhu cầu tác chiến hiện đại.
Trong đó, mục tiêu hàng đầu là nâng cao tầm bắn. Trên thế giới, pháo của một số nước như Mỹ, Nga, Israel, Hà Lan, Triều Tiên đã bắn rất xa, có những loại bắn tới 60km. Để đạt mục tiêu này, hiện có xu hướng thay thế liều phóng hình hạt đui rời sang hình đũa, thỏi đui liền và tiến tới sử dụng nhiên liệu lỏng. Bên cạnh đó, bán kính sát thương của đạn pháo cũng được mở rộng hơn với sức công phá mạnh.
Tác chiến hiện đại còn yêu cầu rút ngắn thời gian từ vị trí xuất phát tới vị trí triển khai đội hình chiến đấu tiến công hoặc phòng ngự. Do đó, pháo tự hành được ưu tiên sử dụng. Nhưng ngay cả pháo pháo mang vác, pháo xe kéo cũng được nghiên cứu chế tạo bằng vật liệu nano đảm bảo gọn nhẹ, cơ động cao. Ngày xưa một khẩu cối 120mm nặng tới gần 100kg thì nay trọng lượng chỉ còn khoảng 50kg, nhưng vẫn đảm bảo tầm bắn và hỏa lực như các khẩu cối cùng cỡ.
Một tiêu chí không kém phần quan trọng khác trong sử dụng pháo binh là nâng cao tính chính xác của phần tử bắn. Các nước tiên tiến có xu hướng dựa vào hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS, ứng dụng CNTT trong việc đo đạc, tính toán phần tử bắn, truyền số liệu giữa đài và trận địa, sử dụng laser để dẫn đường, sửa bắn. Tiêu biểu, các nước như Anh, Mỹ, Hà Lan có giải pháp quét toàn bộ khu vực chiến trường, sau đó, số hóa bản đồ để tính toán phần tử. Cũng nhờ tin học hóa, tự động hóa cùng với vật liệu mới nên về mặt tổ chức, cho phép giảm biên chế trong đội hình khẩu đội pháo mà vẫn đảm bảo nhiệm vụ.
- Sự phát triển của pháo binh Việt Nam ngày nay có bắt kịp xu hướng của thế giới?
Trong những năm qua, pháo binh Việt Nam luôn thực hiện phương châm “giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm” nhằm bảo đảm hệ số kỹ thuật và sẵn sàng chiến đấu cao. Ngoài ra, còn cải tiến, chế tạo và mua sắm pháo, đạn, trang bị khí tài hiện đại cho lực lượng pháo binh, kết hợp với việc đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến hiện đại trong tương lai.
Huấn luyện kỹ thuật sử dụng pháo ở đoàn N75. Nguồn: Báo QĐND
http://quocphong.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thuctap_qpcn/20111014/qp_nam_phaobinh6_01.jpg
Chúng ta cũng mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào huấn luyện, nâng cao hiệu quả bắn. Có thể nói, Việt Nam không thua kém các nước trong việc ứng dụng CNTT để tính toán và đo đạc cho pháo binh. Nếu như trước đây, chúng ta dùng bảng logarit, thì tới giờ đã sử dụng máy tính gọn nhẹ có thể cho ra phần tử bắn, tầm hướng, lượng sửa một cách nhanh chóng, chính xác. Khi bắn cũng dùng khí tài laser để quan sát sửa bắn, đưa ra kết quả kịp thời.
Tuy việc áp dụng khoa học công nghệ vào việc tính toán phần tử bắn phải đẩy mạnh hơn nữa nhưng vẫn cần phải huấn luyện các phương pháp tính toán phần tử và trinh sát truyền thống. Bởi trong tác chiến, đối phương có thể dùng thủ đoạn chế áp điện tử hoặc bom rơi đạn nổ gây hỏng hóc máy móc, đứt mạng ảnh hưởng tới hoạt động tính toán và trinh sát của ta. Vậy nên, chủ trương của chúng ta là kết hợp truyền thống với hiện đại.
- Ông có thể nói rõ hơn về sự kết hợp truyền thống với hiện đại?
Ngày nay sử dụng pháo tự hành đang là một xu hướng lớn. Tuy nhiên, pháo xe kéo hoàn toàn không mất đi vị trí trong lực lượng pháo binh bởi phụ thuộc cách đánh, địa hình. Trong các điều kiện rừng núi khó khăn như của Việt Nam, pháo binh tự hành không phải hoàn toàn chiếm ưu thế. Bài học từ chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã sử dụng chiến thuật “đưa pháo vào gần, kéo pháo lên cao” để bắn hiệu quả. Trong kháng chiến, bộ đội của ta còn tháo cối đặt lên phao vừa bơi vừa đẩy cối qua sông di chuyển dễ dàng trong địa hình nhiều kênh rạch, sông nước. Pháo tự hành không thể làm như vậy.
Vì vậy, việc phát triển pháo tự hành và pháo xe kéo đều nằm trong sự phát triển chung, đảm bảo tác chiến ở mọi địa hình, địa vật. Pháo tự hành thường sử dụng trong các đội hình trung – sư đoàn bộ binh cơ giới, còn pháo xe kéo hay pháo mang vác thường hay dùng cho trung – sư đoàn bộ binh, ngoài ra, còn phải kết hợp với các lực lượng pháo binh khác trong khu vực phòng thủ. Ngoài pháo binh của trên, còn có pháo binh địa phương, thậm chí, có pháo binh cấp phường, xã tạo ra lưới lửa dày đặc, nhất quán với phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.
- Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, nhất là chiến tranh công nghệ cao, pháo binh Việt Nam có đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc?
Lực lượng pháo binh thế giới ngày nay phát triển, nhiều nước tiến hành chế tạo, mua sắm phương tiện vũ khí hiện đại. Bản thân Việt Nam, sau hơn 20 năm đổi mới, có nền kinh tế phát triển, tạo điều kiện để chúng ta mua sắm cho pháo binh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc XHCN. Tuy nhiên, với chúng ta, vũ khí dù hiện đại đến đâu vẫn có điểm yếu, và đây chính là chỗ pháo binh Việt Nam phát huy sức sáng tạo để giành chiến thắng. Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống lịch sử 65 năm phát triển và trưởng thành, pháo binh Việt Nam sẽ hoàn thành được nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, xứng đáng là hỏa lực chính của lục quân.
Lữ đoàn pháo binh 434 (Binh đoàn Cửu Long) thực hành bắn đạn thật trong diễn tập hiệp đồng. Nguồn: Báo QĐND
http://quocphong.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thuctap_qpcn/20111014/qp_nam_phaobinh6_02.jpg
Ngày nay, nếu phải đối mặt với đối tượng tác chiến có khả năng cơ động cao, uy lực mạnh, tác chiến công nghệ cao thì chúng ta phân tán lực lượng, phòng tránh đánh trả, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh, làm địch mệt mỏi, kiệt sức và thất bại bằng thế trận chiến tranh nhân dân. Điều quan trọng nhất, pháo binh Việt Nam có nghệ thuật sử dụng pháo binh ít nước khác có được.
- Ông có thể nói rõ hơn về sự sáng tạo trong sử dụng pháo binh của Việt Nam?
Từ pháo đài Láng (1946), thu đông Việt Bắc (1947) đến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), rồi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, pháo binh luôn là hỏa lực chính của lục quân. Quãng thời gian trên cũng là quá trình pháo binh Việt Nam trưởng thành, có nhiều cải tiến sáng tạo và phát triển vượt bậc. Trong trận sông Lô, khi chưa có khí tài trinh sát, chúng ta đã ngắm bắn tàu chiến Pháp qua nòng pháo. Trong trận đánh sân bay Biên Hòa, ta đã tháo nòng pháo phản lực H12, BM13, BM21 đưa sát hàng rào, bất ngờ khai hỏa làm địch không kịp trở tay. Trên thế giới chỉ có Việt Nam có nhiều loại hình bắn cối ứng dụng, bắn cối trên ghe, bắn cối không cần bàn đế. Trong việc tính toán phần tử bắn, ta đã tạo ra thước bắn biển, thước sửa bắn của riêng mình.
Tất cả những sáng tạo đó góp phần vào truyền thống vẻ vang của binh chủng, được Bác Hồ tặng cho 8 chữ vàng “Chân đồng vai sắt đánh giỏi bắn trúng”, nhiều cá nhân đơn vị được tặng thưởng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ảnh phụ chú:
Khẩu đội 1, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Pháo binh 45 thực hành chiếm lĩnh trận địa. Nguồn: Báo QĐND
http://quocphong.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thuctap_qpcn/20111014/qp_nam_phaobinh6_03.jpg
Pháo phản lực của Đoàn M68 khai hỏa. Nguồn: Báo QĐND
http://quocphong.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thuctap_qpcn/20111014/qp_nam_phaobinh6_04.jpg
Bộ đội pháo binh luyện tập chuẩn bị cho Đại lễ Thăng Long. Nguồn: Báo QĐND
http://quocphong.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thuctap_qpcn/20111014/qp_nam_phaobinh6_05.jpg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.