Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

'Sấm sét' chiến trường (kỳ 4)

Trong khi pháo tự hành Mỹ mờ nhạt với những bước tiến chậm chạp thì các đồng nghiệp Tây Âu lại tạo ra nhiều sản phẩm mang tính đột phá.
>> Kỳ 1: Dàn đồng ca đỏ
>> Kỳ 2: Dấu ấn riêng của pháo phản lực Mỹ
>> Kỳ 3: Đại bác trên bánh xích

(Đất Việt) Kỳ 4: Cuộc đua "tam mã"

Biến cũ thành mới

Nếu pháo phản lực Mỹ đã tạo dựng chỗ đứng vững chắc trong lực lượng pháo binh đồng minh Tây Âu, pháo tự hành của nước không những chẳng tạo dấu ấn nào mà còn có nguy cơ bị loại bỏ dần. Ngày nay, trong biên chế pháo binh Lục quân Mỹ chỉ duy trì một loại pháo tự hành là M109A6 Paladin, được thiết kết dựa vào mẫu M109 ra đời từ những năm 1960.

Mỹ đã cố gắng trang bị cho loại pháo này nhiều thiết bị điện tử, cơ khí tiên tiến nhằm đáp ứng với tiêu chuẩn chiến tranh hiện đại. Điểm cải tiến chính gồm: Xe pháo được gia cố giáp bảo vệ, thiết kế lại bố trí trong khoang chứa đạn, khoang động cơ, khoang lái nhằm bảo vệ tối đa sự sống còn của pháo thủ. Ngoài ra, M109A6 còn được lắp hệ thống điều khiển hỏa lực mới, khả năng tự động hóa cao cùng máy tính đường đạn có sự hỗ trợ hệ thống dẫn đường định vị vệ tinh.

Về hỏa lực, M109A6 sử dụng nòng pháo M284 cỡ 155mm, kết hợp máy nạp đạn bán tự động giúp tốc độ bắn cải thiện. Nhờ những cố gắng kể trên, M109A6 mới được coi “bằng bạn bằng bè” dù nhiều thông số không bằng pháo tự hành của nước khác.




Pháo tự hành M109A6 hành tiến.


M109 đời đầu có lượng đạn dự trữ khoảng 30 viên, M109A6 cải thiện hơn với 36-39 viên, nhưng con số này thấp hơn rất nhiều so với pháo tự hành MSTA-S của Nga hay Pzh 2000 của Đức. Pháo 155mm kết hợp thiết bị nạp đạn bán tự động chỉ cho phép tốc độ bắn 4 phát/phút, chậm hơn tốc độ trung bình của pháo tự hành ngày nay là 6-8 phát/phút.

Tầm bắn pháo 155mm M284 dùng đạn tiêu chuẩn chỉ đạt 24,7km trong khi pháo Nga hoặc Đức đã vươn tới tới mục tiêu 30km. M109A6 phải dùng đạn tăng tầm hoặc đạn tự dẫn chính xác cao Excalibur mới đạt được cự ly bắn 30-40km. Vì những lý do trên, các nước đồng minh thân cận Tây Âu không hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực pháo tự hành và có những thiết kế bỏ xa M109A6.

“Tiền bối” của M109A6 là pháo tự hành M109A1 từng tham gia vào chiến tranh Việt Nam cùng với pháo tự hành hạng nhẹ M108 105mm và M107 175mm. Sau Hiệp định Paris, toàn bộ lính Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam cùng với hầu hết khí tài quan trọng, trong đó có pháo M109. Riêng pháo tự hành M107 175mm, được để lại cho quân đội VNCH sử dụng phong là “Vua chiến trường”.

“Cánh tay dài” của ISAF

Sử dụng pháo phản lực Mỹ M270 trong biên chế nhưng người Đức đã loại bỏ hoàn toàn M109 và thay thế bằng “con cưng” Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000), được phát triển từ chương trình hợp tác nghiên cứu pháo tự hành SP70 dở dang cùng với Anh và Italy. Được chính thức biên chế vào cuối những năm 1990, PzH 2000 có thiết kế dựa trên khung gầm xe tăng Leopard 2A và bị pháo L52 cỡ 155mm, kết hợp thiết bị nạp đạn bán tự động kiểu ổ quay chứa 60 viên đạn cùng 228 liều phóng rời.

Tốc độ bắn tối đa của PzH 2000 khá ấn tượng 9 phát/phút. Thậm chí trong một cuộc thử nghiệm năm 1997 thì tốc độ bắn của pháo lên tới 12 phát trong 59,74 giây. PzH2000 đạt tầm bắn 30km (với đạn thường) và 40km (với đạn tăng tầm).


Pháo 155mm của PzH 2000 khai hỏa thực hiện pháo kích quân Taliban ở Afghanistan.


PzH 2000 được tự động hóa cao độ với hệ thống kiểm soát bắn nhận dạng và kiểm soát mục tiêu. Đặc biệt, nó cho phép thay đổi quỹ đạo bắn ở loạt tiếp theo nhằm tăng độ chụm của đạn. Nhờ vậy, PzH2000 có thể bắn liên tiếp 5 viên đạn vào cùng một mục tiêu. Việc tính toán, hiệu chỉnh bắn đều được máy tính đường đạn xử lý. Ngoài ra, tổ lái được bảo vệ khá tốt với hệ thống phòng vệ chống tác nhân xạ - sinh – hóa, hệ thống báo cháy, dập lửa tự động. Giáp xe chống chịu được mảnh đạn pháo, đạn súng máy đối phương.

Năm 2006, Quân đội Hà Lan đồn trú tại Afghanistan sử dụng PzH2000 để pháo kích quân Taliban rất hiệu quả. Từ đó nó thường xuyên xuất hiện trong một loạt chiến dịch lực lượng an ninh quốc tế ISAF và được mệnh danh “cánh tay dài” của lực lượng này. Với kinh nghiệm chiến trường và một số tính năng hỏa lực vượt pháo tự hành MSTA-S của Nga, có thể nói PzH 2000 hội đủ điều kiện để được xét là “chuẩn mực pháo binh hiện đại”.

Giống Đức, Anh dù là đồng minh rất thân cận của Mỹ ở Tây Âu những cũng mạnh dạn cho nghỉ hưu toàn bộ M109 và thay thế bằng pháo tự hành AS-90, có cùng nguồn gốc với PzH 2000 từ chương trình hợp tác SP-70. Tuy nhiên, AS-90 không có được sức mạnh như “người anh em” ở nước Đức. Pháo sử dụng nòng L39 cỡ 15mm cùng thiết bị nạp đạn bán tự động cho phép đạt tốc độ bắn 6 phát/phút. Tầm bắn tối đa 24,7km (đạn thường) hoặc 30km dùng đạn tăng tầm, không hơn so với M109A6 Paladin.

Pháo tự hành bánh lốp

Bên cạnh sức mạnh của PzH 2000, Châu Âu còn có một nước khác sở hữu pháo tự hành có uy lực không thua kém. Đó là pháo thế hệ mới Archer FH77 BW L52 do Thụy Điển phát triển. Điểm nhấn trong thiết kế của Archer là pháo được đặt trên khung gầm xe vận tải bánh hơi. Đây cũng là xu hướng đang phát triển mạnh trên thế giới gần đây, cuốn hút một số quốc gia như Pháp, Israel, Trung Quốc tham gia.


Pháo tự hành bánh lốp Archer của Thụy Điển.


Việc dùng xe bánh lốp có tính kinh tế, tiết kiệm, dễ bảo dưỡng, sửa chữa. Đặc biệt, nó đem lại khả năng cơ động cao. Hệ thống Archer dùng xe vận tải bánh hơi Volvo 6x6 cho phép vượt địa hình tuyết dày 100cm, tốc độ tối đa 70km/h trên đường bằng phẳng, nhanh hơn tốc độ của pháo tự hành bánh xích (60-65km/h).

Archer lắp pháo cỡ nòng 155mm FH 77B đạt tầm bắn tối đa 30km với đạn tiêu chuẩn và 60km với đạn tăng tầm tự dẫn.

Archer cũng được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực tự động cùng máy tính đường đạn xử lý, tính toán, kết hợp thiết bị nạp tự động nên tốc độ bắn nhanh 8-9 phát/phút, ngang ngửa tốc độ bắn trung bình của PzH 2000. Lệnh bắn được thực hiện từ trong cabin xe. Tuy nhiên, lượng đạn trong máy nạp chỉ chứa được 20 viên nên khả năng dự trữ bắn không cao.

Ảnh phụ chú:

Pháo tự hành M109 khai hỏa trong đêm, quầng lửa khi đạn bắn tỏa ra sáng rực.


Pháo tự hành AS-90 của Quân đội Anh tại Iraq.


Có giai thoại kể rằng, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, khi bộ đội ta thu được M107, đã dùng ngay pháo này để tấn công quân địch. Phía VNCH nghe thấy tiếng pháo M107, tự bảo nhau là “vua đi vi hành” nên càng hoang mang và nhanh chóng tan rã. Ngày nay, ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang trưng bày một chiếc M107, trên nòng pháo vẫn còn sơn dòng chữ “Sấm sét, vua chiến trường” như trong ảnh



Lê Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.