Sức mạnh của pháo binh đã được gia tăng đáng kể nhờ những bước cải tiến về đạn, và hứa hẹn còn ghê ghớm hơn nữa với sự xuất hiện của pháo điện từ, pháo laser trong tương lai.
Xa và mạnh
Pháo binh ngày nay được ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao tầm bắn và uy lực của quả đạn. Để vươn dài tấm bắn, các nhà kỹ thuật quân sự thường tìm cách kéo dài nòng pháo để lợi dụng hiệu suất của thuốc phóng cao nhất. Nhưng đổi lại, pháo cồng kềnh, cơ động kém.
Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ dùng pháo tự hành M107 lắp pháo nòng dài 175mm có trọng lượng gần 30 tấn, tuy bắn xa 34km nhưng độ chính xác thấp, tốc độ bắn nhanh nhất... 1 phát/phút.
Vì thế, dùng đạn tăng tầm (có động cơ rocket phụ trợ) đang là giải pháp tối ưu để “vươn dài cánh tay” pháo binh. Đạn loại này có cấu tạo đạn pháo gắn động cơ rocket phụ. Khi đạn rời nòng, động cơ được kích hoạt nhờ thiết bị đánh lửa trong vỏ đạn.
"Đạn con" M77 của đạn rocket M26 dùng cho pháo phản lực M270.
http://quocphong.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thuctap_qpcn/20111014/qp_nam_phaobinh5_02.jpg
Thiết kế này mang lại hiệu quả rõ rệt, như pháo kéo M119A1 105mm của Mỹ nếu dùng đạn tăng tầm M913 sẽ nâng tầm bắn từ 13-14km tới 19,5km, hay pháo M46 130mm của Nga, từ 27km lên tới 38km. Ngoài ra, Mỹ còn phát triển đạn “Base – Bleed” (trích khí đáy), tăng tầm bắn nhờ bộ phận sinh khí nhỏ gắn sau đuôi đạn pháo, xóa bỏ khoảng chân không được tạo ra phía đuôi khi đạn bay, từ đó giảm sức cản đạn.
Việc tăng sức công phá của đạn cũng được chú trọng. Ngoài các loại đạn truyền thống (đạn nổ mạnh, đạn nổ lõm, đạn tạo mảnh), ngày nay còn có đạn “đặc biệt” có sức sát thương khủng khiếp. Đầu tiên phải kể tới đạn DPICM (đạn pháo thông thường lưỡng dụng cải tiến), chứa bên trong nhiều “đạn con”, khi bắn tới mục tiêu đạn mẹ được kích nổ ở độ cao định sẵn, bung đạn con phủ lên khu vực rộng, chuyên sử dụng để tiến công sát thương các mục tiêu phân bố trên diện tích lớn.
Đạn “có mắt”
Việc nâng tầm bắn cho đạn cũng đặt ra yêu cầu về tính chính xác của mỗi phát bắn. Do đó, các nhà thiết kế đã ứng dụng công nghệ laser để dẫn bắn nhằm đạt hiệu suất trúng đích.
Theo đó, đạn pháo ngày nay thường được thiết kế thêm cánh lái ở đuôi và đầu tự dẫn laser bán chủ động. Khi tác xạ, các phương tiện trinh sát như UAV hay thiết bị chỉ thị mặt đất sẽ chiếu laser vào mục tiêu, đầu tự dẫn của đạn sẽ thu phần năng lượng bức xạ thứ cấp dội lại, xử lý thành tín hiệu điều khiển cánh đuôi điều chỉnh hướng bay của đạn tới vào mục tiêu.
Đi đầu trong lĩnh vực này, Nga - Mỹ với 2 kiểu đạn 155mm Krasnopol và M172 Copperhead, trang bị cho pháo xe kéo và pháo tự hành. Đặc biệt, đạn dẫn bằng laser M172 đã chứng minh sức mạnh trên chiến trường Iraq 1991 và 2003. Tuy nhiên, phương pháp dẫn bằng laser không hiệu quả trong điều kiện mục tiêu bị che phủ (mây, sương mù, khói).
Pháo kéo M198 bắn đạn tự dẫn laser M172.
http://quocphong.baodatviet.vn/Uploaded_CDCA/thuctap_qpcn/20111014/qp_nam_phaobinh5_01.jpg
Do đó, sự phát triển của hệ thống định vị GPS tiếp tục hoàn thiện khả năng chính xác của đạn pháo tự dẫn. Theo đó, tọa độ mục tiêu được xác định trước khi bắn, hệ dẫn đường của đạn sẽ cập nhật thông tin từ vệ tinh về mục tiêu trên đường bay. Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên đưa vào sử dụng đạn GPS M982 Excalibur cỡ 155mm với độ sai lệch 10m ở tầm bắn 30km.
Ngoài 2 loại kiểu tự dẫn trên, còn có loại đạn “bắn và quên” – đạn sensor SADARM, thường chứa 2-3 liều nổ lõm gắn sensor radar sóng mm hoặc hồng ngoại. Khi bắn, đạn bay theo quán tính đến cự ly định sẵn, 2 liều nổ lõm tách ra bung dù hãm tốc. Ở trên không, sensor của đạn tự quét và phát hiện mục tiêu, sau đó, kích nổ tạo luồng xuyên đánh từ trên không xuống xuyên thủng giáp tăng.
Pháo năng lượng cao
Cùng với những cải tiến về đạn, các nhà chế tạo vũ khí còn tính đến việc ứng dụng năng lượng mật độ cao trong phát triển pháo mới, có uy lực khủng khiếp. Trong đó, Mỹ đang theo đuổi dự án về pháo điện từ, hoạt động theo định luật Lorentz, vẫn được biết đến trong kiến thức vật lý phổ thông là “quy tắc bàn tay phải”.
Theo đó, nòng pháo bao gồm 2 bộ phận chính: phần cảm là các thanh dây dẫn tạo từ trường và phần ứng mang đầu đạn. Khi hoạt động, máy phát tạo ra dòng điện trong nòng pháo. Dòng điện đi từ thanh dẫn dương qua phần ứng và thanh dẫn âm tạo ra từ trường tương tác với dòng điện chạy qua phần ứng tạo thành lực Lorentz đẩy viên đạn ra ngoài nòng pháo với sơ tốc đầu đạn lên tới Mach 7 (nhanh gấp 7 lần so với tốc độ âm thanh). Với sơ tốc này, đạn có thể bắn xa tới 160km và hủy diệt mọi mục tiêu gặp phải.
Theo tính toán sơ bộ, dự án này của Mỹ đã ngốn hết 211 triệu USD và sẽ triển khai trong biên chế Hải quân Mỹ vào năm 2025. Nếu loại pháo này đưa vào hoạt động rộng rãi, có thể quốc tế sẽ phải xem xét lại công ước về biển, bởi khoảng cách 12 hải lý cho vùng lãnh hải không còn an toàn với các quốc gia ven biển.
Bên cạnh pháo điện từ, Mỹ còn “phiêu lưu” với dự án về vũ khí laser với tên gọi FEL (Free Electron Laser - chùm tia laser điện tử tự do) với cơ chế hủy diệt là sự kết hợp giữa cường độ ánh sáng với khả năng bắn phá của electron.
Hiện tại, công suất của chùm tia laser điện tử mới chỉ đạt mức 14kW nhưng các nhà nghiên cứu đang tích cực làm việc để tăng lên tới 100kW. Khi đó FEL sẽ trở thành một vũ khí phòng thủ tầm gần hiệu quả. Trong một số thử nghiệm, loại vũ khí này đã bắn cháy một chiếc xuồng trên biển. Tuy nhiên, dù là pháo điện từ hay laser đều đòi hỏi một nguồn năng lượng khổng lồ và đây là bài toán hóc búa đối với nhà sản xuất vũ khí khi muốn đưa chúng ra chiến trường.
Tuấn Linh - Lê Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.