Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Tổng hợp tin quân sự


Vai trò  của xe tăng T 62: “Khởi đầu của MBT hiện đại Nga” đã hoàn thành nhiệm vụ
Bắt đầu từ năm 2013, quân đội Nga sẽ loại bỏ hoàn toàn các đơn vị xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-62 có trong trang bị. Đây là bước đi kế tiếp trong chiến lược cải tổ quân đội Nga theo hướng nhỏ gọn, cơ động và hiện đại. Tuy ra đời đã lâu, nhưng T-62 thực sự là bước chuyển trong chiến lược chế tạo và sử dụng xe tăng Nga từ việc phân biệt rõ ràng 2 dòng xe tăng hạng nặng và hạng trung chuyên biệt thành cơ cấu lõi là MBT (vẫn giữ 2 dòng cho mục đích phổ dụng và chuyên đấu tăng là T-62 và T-64).



MBT T-62 trong một cuộc diễn tập của quân đội Nga.
Đặc biệt, T-62 là thế hệ MBT đầu tiên của Nga được lắp đặt hệ thống nạp đạn tự động cho phép tăng tốc độ bắn và giảm số thành viên kíp lái (4 thành viên). Nhân sự kiện T-62 chính thức “hoàn thành nhiệm vụ”, QĐND Online xin giới thiệu vài nét về dòng tăng này của Nga:


Ra đời kế thừa từ “cỗ máy cơ khí” T-54


Quá trình phát triển MBT T-62 được thực hiện từ cuối những năm 1950 dựa trên cơ sở xe tăng T-54. T-62 vẫn sử dụng thiết kế truyền thống với việc đặt động cơ ở phía sau, vị trí các thành viên kíp lái vẫn giữ nguyên như xe tăng T-54. Điểm nhấn của T-62 là việc giảm số thành viên kíp lái còn 4 người, gồm: Trưởng xe, lái xe, xạ thủ và điện đài viên. T-62 vẫn sử dụng giáp chính bằng thép cán đồng nhất áp dụng các góc nghiêng để nâng cao khả năng sống sót trên chiến trường. Dòng MBT này được trang bị pháo chính nòng trơn 115mm và súng máy phòng không 12,7mm; súng máy đồng trục 7,62mm. Trong tác chiến, T-62 có thể đạt tốc độ cơ động tối đa tới 50km/giờ và dự trữ hành trình đạt 500km trên đường hoặc 400km trong điều kiện dã chiến. Tương tự như T-54, T-62 có thể vượt qua tường cao 0,8m; hố rộng 2,85m và vượt sông sâu 1,4m (không cần chuẩn bị), nếu dùng ống thông hơi có thể vượt sông sâu 5m.



Hình ảnh của T-62 trong cuộc xung đột tại Nam Ossetia gần đây.
Sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm, T-62 chính thức được sản xuất hàng loạt từ năm 1961 tới giữa những năm 1970 với khoảng 20.000 xe được chế tạo. T-62 nằm trong biên chế quân đội Liên-xô và 27 quốc gia khác trên thế giới. Tới năm 1985, T-62 được nâng cấp sâu thêm khả năng bảo vệ kíp lái khỏi các yếu tố sinh-hóa-hạt nhân. Ngoài ra, MBT loại này cũng được gia cố thêm giáp và khả năng tự động đóng cửa hút khí và thoát vỏ đạn trên xe. Quân đội Liên-xô sử dụng T-62 như dòng MBT đa dụng, cơ động, hỏa lực mạnh và dễ chế tạo tương tự như T-54. Trong khi đó, dòng MBT phục vụ đấu tăng chủ lực là T-64 được dùng làm nắm đấm thép cho các mũi tấn công cơ động. Đây chính là học thuyết luôn luôn duy trì 2 dòng MBT áp dụng cho tới khi Liên-xô sụp đổ. Quân đội Nga hiện có khoảng 900 MBT T-62, trong đó có 150 xe đang còn trong trang bị. Toàn bộ chúng sẽ được tháo rời thành dạng phụ tùng và xuất khẩu ra nước ngoài. Trên thế giới vẫn còn quân đội 17 quốc gia sở hữu MBT T-62.

Những “mốc lửa” chính của T-62

Chỉ tính riêng trong biên chế quân đội Liên-xô và Nga, T-62 đã 7 lần được “thử lửa”. Đầu tiên là năm 1968, T-62 đã tham gia chiến dịch Danube ở Tiệp-Khắc với quân đội khối Warsaw; năm 1969, dòng MBT này có mặt tại điểm lửa xung đột Liên-xô – Trung Quốc và giai đoạn 1979-1989 tại chiến trường Afghanistan.



Một phiên bản nâng cấp T-62 được giới thiệu mới đây.
Tới thời gian gần đây, T-62 cũng có mặt trong cuộc xung đột ở Chechen 1994-2000, Dagestan năm 1999 và xung đột Nam Ossetia năm 2008. Trong biên chế quân đội nước ngoài, T-62 được “cọ sát” tại cuộc chiến Yom Kippur (Ai Cập – Israel) năm 1973, cuộc chiến Lebanon năm 1982, chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 và gần đây nhất là xung đột tại Syria (từ tháng 3-2011). Tuy ra đời đã lâu, nhưng do sử dụng khung gầm gần tương đương MBT hiện đại, T-62 vẫn còn tiềm năng nâng cấp thông qua việc nâng cấp giáp, pháo chính và khí tài điện tử trên xe.
Quân đội Nhân dân


Lầu Năm góc mua thêm 21 Đại bàng biển V-22
Theo trang tin Defense Aerospace, Lầu Năm góc đã ký hợp đồng với liên doanh Bell Boeing mua thêm 21 máy bay lưỡng thể V-22 Osprey trị giá 1,4 tỷ USD. Cụ thể, tới tháng 9-2016, lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ được tiếp nhận thêm 17 chiếc MV-22, còn không quân là 4 máy bay CV-22. Hợp đồng trên cũng bao gồm cả điều khoản cung cấp tài chính để mua vật liệu chế tạo thêm 18 máy bay lưỡng thể phiên bản MV-22 và 3 chiếc CV-22 sẽ được chuyển giao cho quân đội Mỹ vào năm 2014.



MV-22 Osprey.
Mới đây, Lầu Năm góc đã công bố kế hoạch mua 167 máy bay V-22 trị giá 10,6 tỷ USD theo các hợp đồng thường niên. Tới thời điểm hiện tại, đã có khoảng 150 máy bay V-22 các phiên bản được cung cấp cho lực lượng lính thủy đánh bộ và không quân Mỹ. Gần đây nhất, tháng 4-2012, Lầu Năm góc đã đạt được thỏa thuận với hãng Rolls-Royce (Anh) cung cấp 268 động cơ phản lực đủ cho nhu cầu chế tạo máy bay V-22 tới năm 2016. V-22 Osprey nổi tiếng ở khả năng thay đổi cơ cấu cánh từ cánh cố định sang trực thăng. Ở chế độ cánh cố định, V-22 có thể đạt tốc độ bay tới 565km/giờ và tầm hoạt động đạt 722km. V-22 được thiết kế để chở theo 32 binh sĩ hoặc 9 tấn hàng hóa. Hỏa lực của dòng máy bay này là các dòng súng máy hạng nhẹ cỡ đạn 7,62mm và 12,7mm.
Quân đội Nhân dân


B-52 trong lực lượng không quân chiến lược Mỹ

Lực lượng không quân chiến lược là một trong ba nền tảng trụ cột của sức mạnh quân sự Mỹ. Đó là tên lửa hạt nhân chiến lược, tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân và không quân chiến lược. Trong một dàn máy bay chiến đấu, tên lửa hiện đại mà Không quân chiến lược Mỹ sở hữu, B-52 là loại máy bay ném bom được đánh giá cao nhất với những thành tích “bất khả chiến bại” trong các cuộc chiến trên thế giới…, ngoại trừ ở Việt Nam.



Máy bay ném bom B52
 “Con át chủ bài” của Lầu Năm Góc


B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa, rất nổi tiếng, do hãng Boeing nghiên cứu thử nghiệm sản xuất từ thập niên 1950. B-52 được mệnh danh là “Stratofortress” nghĩa là “pháo đài chiến lược” hay “pháo đài bay”. Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, B-52 phát huy vai trò ném bom tầm thấp và khả năng rải thảm trấn áp đối phương, dọn đường cho những chiến dịch không kích rầm rộ của liên quân sau đó, khiến cho các lực lượng phòng không của đối phương không thể chống đỡ nổi. Các kiểu tấn công thông thường của B-52 hiệu quả hơn hẳn vì chúng kinh tế và vì chúng nhanh chóng làm mất tinh thần các lực lượng phòng thủ I-rắc. B-52 cũng góp phần vào chiến thắng của Mỹ trong chiến dịch “Thực thi Tự do” tại Áp-ga-ni-xtan năm 2001, nhờ khả năng bay lâu trên chiến trường và hỗ trợ tấn công mặt đất qua việc sử dụng các vũ khí dẫn đường chính xác, một nhiệm vụ trước đây chỉ được giao cho máy bay tiêm kích và máy bay cường kích. B-52 cũng giữ vai trò chủ chốt trong Chiến dịch “Tự do cho người I-rắc” năm 2003, khi nó hỗ trợ các lực lượng tấn công mặt đất của Mỹ và thực thi nhiệm vụ ném bom. Chinh chiến trên khắp thế giới, có mặt tại hầu hết các điểm nóng, B-52 trở thành nỗi khiếp sợ của đối phương. Nhưng niềm kiêu hãnh của Không quân Mỹ lại phải nhận thất bại cay đắng trên bầu trời Việt Nam… Trong chiến dịch Linebacker II tháng 12-1972, Mỹ đã huy động lực lượng 193/400 chiếc B-52; Không quân chiến thuật: 1.077 chiếc trên tổng số 3.043 chiếc; Tàu sân bay: 6 chiếc trên tổng số 14 chiếc; Hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu, cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Có thể nói, đây là một cuộc huy động lực lượng lớn chưa từng có của Mỹ từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai (tính đến tháng 12-1972) cho một cuộc tập kích đường không chiến lược. Thế nhưng, lực lượng không quân chiến lược Mỹ đã phải hứng chịu thất bại cay đắng ngay khi phải chứng kiến máy bay B-52 tan xác trên bầu trời Hà Nội. "Những thất bại trên là do lực lượng phòng không của Việt Nam đã biết khai thác triệt để các kẽ hở rất mờ nhạt trong hệ thống phòng thủ của B-52. Ngược lại, việc triển khai ồ ạt B-52 trong khoảng thời gian ngắn không cho phép Mỹ khắc phục những điểm yếu, dẫn đến B-52 bị các tên lửa đất đối không của Việt Nam tiêu diệt", hãng thông tấn AP bình luận. Cho đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đã sử dụng tên lửa SAM-2 để bắn rơi máy bay ném bom chiến lược B-52 của Không lực Mỹ.

60 năm vẫn sử dụng tốt
Qua 8 lần cải tiến với các phiên bản B-52 - A, B, C, D, E, F, G, H, cho đến nay, dù đã trải qua 60 năm, B-52 vẫn giữ nguyên vai trò chiến lược của nó trong hàng ngũ máy bay chiến đấu hạng nặng của Không quân Mỹ. Đến nay, quân đội Mỹ vẫn chưa thể tìm được “kẻ thay thế” xứng đáng cho mẫu máy bay ném bom chiến lược B-52. Mạng tin Wired cho hay, Không quân Mỹ tiếp tục sử dụng chiếc B-52 vì nó vẫn là kiểu máy bay ném bom hạng nặng có hiệu quả cao. Hơn nữa, trong nhiệm vụ mở đường, B-52 luôn chứng tỏ ưu thế vượt trội. Không quân Mỹ dự định sẽ duy trì hoạt động của những chiếc B-52 trong lực lượng không quân chiến lược ít nhất là cho đến năm 2040. Chiếc B-52 cuối cùng được sản xuất vào năm 1962, nghĩa là đến thời điểm 2040, chiếc B-52 có tuổi thọ kỷ lục lên tới gần 80 tuổi. Để đạt được điều này, những chiếc B-52 sẽ được tân trang định kỳ tại các kho bảo trì của Không quân Mỹ tại Căn cứ Không quân Tinker, Ô-cla-hô-ma.



Dàn máy bay “khủng” của lực lượng không quân chiến lược Mỹ. Ảnh:tinypic.com
Theo Wikipedia, hiện nay, Mỹ đang sở hữu 228 chiếc máy bay ném bom chiến lược với thời hạn sử dụng tương đối dài, trong đó có B-52, B-1, B-2. Kế hoạch ban đầu, Mỹ muốn giảm số lượng B-52 xuống còn 56 chiếc (trong đó 44 chiếc được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu bình thường), số lượng B-1 cũng sẽ giảm xuống còn 32 chiếc, trang bị thêm 24 vũ khí tiến công chính xác, có khả năng cơ động tiến công các mục tiêu mặt đất xa hơn 2000km và trở về căn cứ trong vòng 2,5 giờ mà chỉ cần tiếp dầu một lần. Trong bối cảnh Mỹ đang dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương, việc xây dựng một lực lượng không quân chiến lược với các máy bay ném bom chiến lược, máy bay tàng hình tới khu vực này đang được giới quân sự Lầu Năm Góc tính toán kỹ lưỡng. Ngoài máy bay B-52 đã được triển khai tại căn cứ Andersen ở Guam, Mỹ cũng lên kế hoạch triển khai máy bay ném bom B-2 tới khu vực này. Tạp chí Không quân Mỹ (Air Force) số ra mới đây dẫn lời Thiếu tướng Xtê-phen Uyn-xơn (Stephen Wilson), chỉ huy phi đội gồm 20 máy bay ném bom tàng hình B-2, cho hay một số chiếc B-2 sẽ bắt đầu được luân chuyển đến Thái Bình Dương từ năm 2013. B-2 là loại máy bay ném bom chiến lược tiên tiến nhất hiện nay của quân đội Mỹ, không phải tiếp dầu trên không, có thể bay liên tục trong hành trình 12.000km, trên máy bay trang bị nhiều loại vũ khí công nghệ cao như tên lửa hành trình, bom chùm... Ngoài ra, Mỹ cũng quyết định điều động mới các máy bay F-22, F-35, máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-46 đến Thái Bình Dương Các đợt luân chuyển kéo dài trong vài tuần và diễn ra nhiều lần trong năm. Việc thiết lập lực lượng tác chiến nói trên là phần mở rộng của chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Theo Wired, khi công tác triển khai được hoàn tất vào năm 2017, các máy bay này sẽ sẵn sàng tác chiến khi có biến cố xảy ra.

Quân đội Nhân dân

Nga: Trẻ hóa sĩ quan lực lượng tên lửa chiến lược
Tuổi trung bình của sĩ quan trong biên chế lực lượng tên lửa chiến lược (SMF) Nga hiện là 30, đó là thông tin được đại diện lực lượng này, Đại tá Sergey Shorin tuyên bố với báo giới. “Trong 2 năm gần đây, SMF Nga đã gần như trẻ hóa hoàn toàn lực lượng sĩ quan với tuổi trung bình là dưới 33, trong đó 48% sĩ quan có độ tuổi dưới 30”, ông S. Shorin cho biết. Hiện tại, tỷ lệ sĩ quan chính quy trong biên chế SMF Nga đạt 98%. Đây là yếu tố quan trọng giúp lực lượng này luôn có khả năng chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu nhanh và chính xác.



Ảnh minh họa/ Internet.
Theo lời ông S. Shorin, do yêu cầu giải quyết các nhiệm vụ chiến lược ở quy mô toàn cầu và được trang bị nhiều tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới, nên gánh nặng đặt lên vai sĩ quan lực lượng SMF Nga là rất lớn và việc trẻ hóa đội ngũ sĩ quan là rất cần thiết. Đại diện SMF Nga cũng nhấn mạnh, bộ mặt mới của SMF Nga nằm ở sự chuyên nghiệp, trình độ của đội ngũ kỹ sư-kỹ thuật viên, kỷ luật và sự sáng tạo. "Tới thời điểm hiện tại, SMF Nga sở hữu đội ngũ chuyên gia khoa học tài năng với 450 sĩ quan tốt nghiệp cấp đại học, học viện. Họ đã đưa ra hàng ngàn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mỗi năm. Ngoài ra, hằng năm, đội ngũ sĩ quan chỉ huy của SMF đều được đi tu nghiệp và đạo tạo nâng cao”, ông S. Shorin cho biết.
Quân đội Nhân dân

Vũ khí không gian của Trung Quốc
Giới tình báo và quân sự Mỹ đang lo ngại Trung Quốc có thể sẽ sớm thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh vào cuối tuần này. Trong vài tháng gần đây, cộng đồng quân sự và tình báo Mỹ liên tục đồn đoán Trung Quốc sẽ thử vũ khí không gian. Thông tin này do chuyên trang không gian Space.com dẫn lời ông Gregory Kulacki, Trưởng nhóm dự án Trung Quốc thuộc tổ chức UCS có trụ sở tại Cambridge, cho biết. Ông Kulacki chia sẻ: “Trước thềm Giáng sinh, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiết lộ rằng chính quyền Tổng thống Obama đang hết sức lo ngại về vụ thử bắn vệ tinh (ASAT) sắp tới của Trung Quốc”. Dựa trên những nguồn thạo tin và các sứ mệnh ASAT của Trung Quốc trong quá khứ, chuyên gia này cảnh báo rằng có khả năng vụ thử trên sẽ diễn ra vào ngày 11.1. Đây là thời điểm diễn ra các vụ bắn thử của Bắc Kinh vào năm 2007 và 2010. Tuy nhiên, ông Kulacki cũng thừa nhận rằng Washington vẫn chưa rõ nội dung lẫn mục tiêu trong lần thử này nếu có.



Trung Quốc đang theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí không gian - Ảnh: The Economist
Hồi năm 2007, Trung Quốc phá hủy thành công một trong các vệ tinh thời tiết không còn hoạt động và trôi trên quỹ đạo cách mặt đất khoảng 853 km. Sau đó, vào năm 2010, Bắc Kinh vận dụng công nghệ tương tự để triệt tiêu một vật thể không nằm trên quỹ đạo. Theo chuyên gia Kulacki, một số quan chức Mỹ nghi ngờ rằng Trung Quốc có thể muốn nâng tầm bắn so với những vụ thử trước, nhằm vào mục tiêu ở độ cao trên 19.000 km thuộc quỹ đạo tầm trung của trái đất (MEO). Trên lý thuyết, khả năng bắn đến MEO khiến các vệ tinh hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ rơi vào tầm ngắm. Vì thế, chuyên gia Kulacki thúc giục Washington cần đề nghị Bắc Kinh không nên triển khai thêm bất cứ vụ thử ASAT nào. Đến nay, Mỹ và Nga đều đã từ bỏ những vụ thử nghiệm ASAT vốn tạo ra khá nhiều rác trên quỹ đạo. Vụ thử của Trung Quốc hồi năm 2007 đã tạo ra 3.000 mảnh rác vương vãi. Cuộc thử nghiệm sắp tới, nếu diễn ra, có thể không quá phô trương như những lần trước. Theo đó, Bắc Kinh có thể không hủy diệt vệ tinh tạo ra rác thải, vốn ẩn chứa nguy cơ cho chính các vệ tinh tương lai của Trung Quốc. Theo dự kiến, Bắc Kinh vài năm tới sẽ đặt thêm hơn 20 vệ tinh mới lên MEO, nhằm hoàn chỉnh Hệ thống định vị Bắc Đẩu. Giữa lúc giới truyền thông loan tin Trung Quốc đang muốn tiến hành vụ thử ASAT để nhắm vào hệ thống GPS của Mỹ, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 6.1 đăng bài xã luận liên quan vấn đề này. Theo bài viết, Bắc Kinh “có quyền triển khai sứ mệnh” đó vì đây là con át chủ bài chống lại Washington trong tương lai. Tuy nhiên, bài báo chẳng đả động gì về tính xác thực của nguồn tin trên mà chỉ nhận định Trung Quốc cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu vũ khí tiêu diệt vệ tinh để phát triển hoàn chỉnh vũ khí không gian. Trong khi đó, việc Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi các vụ thử ASAT đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nước khác. Tờ The Indian Express vừa đưa ra nhận định rằng Ấn Độ cũng cần tăng cường sức mạnh trong lĩnh vực này nếu không muốn bị đe dọa trong tương lai. Vì thế, nếu Trung Quốc tiếp tục thử ASAT có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ khí không gian khiến tình hình thế giới thêm bất ổn.

Hải quân Trung Quốc “nhận 24 chiến đấu cơ J-16”

Dựa vào những hình ảnh chưa chính thức trên internet, hải quân Trung Quốc đã nhận 24 máy bay chiến đấu J-16 từ Tập đoàn Thẩm Dương, theo trang tin Wantchinatimes (Đài Loan). Liên quan đến loại máy bay này, trang mạng quân sự Strategy Page đưa tin Nga và Trung Quốc hồi năm 1999 đã hợp tác nâng cấp dòng Su-30MKK thành Su-30MK2. Dựa trên thiết kế của Su-30MK2, Trung Quốc chế tạo nên J-16 trở thành dòng chiến đấu cơ chủ lực cho quân đội nước này. Trong một diễn biến khác, CNA ngày 7.1 đưa tin một số lớn chiến đấu cơ J-6 cũ được chuyển sang biến thể không người lái hiện đang đồn trú tại căn cứ không quân Liên Thành thuộc tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Hồi thập niên 1990, Bắc Kinh cho nghỉ hưu các phi đội J-6, vốn được xem như một phiên bản của MiG-19 do Nga sản xuất.
Thanh Niên

Thu hồi máy bay không người lái của Mỹ ngoài khơi Philippines
Hải quân Philippines ngày 7.1 xác nhận một máy bay không người lái (UAV) do Mỹ chế tạo đã được thu hồi tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Masbate, miền trung nước này, theo hãng tin Tân Hoa xã. Đại úy Rommel Jason Galang, Phó chỉ huy Lực lượng Hải quân Philippines tại khu vực nam Luzon, cho biết các ngư dân địa phương đã phát hiện chiếc UAV BQM-74E khi nó đang trôi lềnh bềnh gần đảo Ticao hôm 6.1. Ban đầu, các ngư dân tưởng chiếc UAV này là bom.



Một chiếc BQM-74E được phóng từ tàu chiến Mỹ - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, giới chức Hải quân Philippines không cho biết tại sao chiếc UAV hiện diện ở khu vực trên cũng như thời điểm nó bị nạn ngoài khơi tỉnh Masbate. UAV thường được quân đội Mỹ sử dụng cho các hoạt động do thám.

X-47B hoàn thành giai đoạn chạy thử trên hạm
Hải quân Mỹ và hãng Northrop Grumman đã hoàn thành các thử nghiệm trên tàu sân bay Harry S. Truman của tổ hợp máy bay không người lái tấn công (UACV) X-47B. Theo đó, quá trình chạy thử của UACV X-47B thông qua hệ thống điều khiển từ xa đã hoàn thành hôm 17-12. Trên tàu sân bay Harry S. Truman, UACV X-47B hoạt động nhờ hệ thống chuyên dụng CDU.



UACV X-47B.
Dự kiến, tới cuối năm 2013, UACV X-47B sẽ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cất, hạ cánh trên hạm. Trước đó, X-47B đã hoàn thành các thử nghiệm trên mặt đất và chuyến bay thử đầu tiên của dòng UACV này đã thực hiện trong năm 2011. Điểm nhấn của UACV X-47B là việc áp dụng rộng rãi công nghệ tàng hình trong chế tạo. Nhiệm vụ chính của X-47B là trinh sát, viễn thám và tấn công các mục tiêu mặt đất. Theo kế hoạch, X-47B sẽ được tiếp nhận vào biên chế hải quân Mỹ trong năm 2018.
Quân đội Nhân dân

Hải quân Ấn Độ nhận máy bay tuần tra hải quân Poseidon đầu tiên
Hải quân Ấn Độ đã nhận chiếc máy bay tuần tra hải quân P-8I Poseidon đầu tiên trong hợp đồng đặt mua 8 máy bay loại này trị giá 2,1 tỷ USD. Theo The Economic Times, chiếc P-8I trên được phía Mỹ chuyển cho đại diện Ấn Độ tại Seattle. Dự kiến, 3 máy bay P-8I đầu tiên sẽ tới Ấn Độ trong tháng 5-2013.



P-8I Poseidon đầu tiên của Ấn Độ.
Tháng 1-2009, Mỹ và Ấn Độ đã ký thỏa thuận cung cấp 4 máy bay P-8I Poseidon. Tới năm 2012, Ấn Độ đã quyết định đặt mua bổ sung 4 máy bay cùng loại. Trong tương lai gần, con số này có thể tăng thêm 12 đơn vị. Được phát triển dựa trên cơ sở máy bay hành khách Boeing 737, máy bay tuần tra hải quân Poseidon hiện có hai phiên bản chính là P-8A dành cho hải quân Mỹ và P-8I cho Ấn Độ. Với tốc độ bay hành trình đạt 907km/giờ, tầm hoạt động của máy bay Poseidon khoảng 3.700km. Vũ khí tấn công của dòng máy bay này là tên lửa, ngư lôi và thủy lôi treo trên 11 móc treo dưới thân và cánh. Trong biên chế hải quân Ấn Độ, P-8I Poseidon sẽ thay thế các máy bay tuần tra Britten-Norman Islander đã lỗi thời.
Quân đội Nhân dân

Nga mua bổ sung chiến đấu cơ Su-30SM
Bộ Quốc phòng Nga vừa ký hợp đồng với Tổ hợp chế tạo hàng không Irkut cung cấp lô chiến đấu cơ Su-30SM thứ 2 (30 máy bay). Thông tin trên đã được hãng tin Interfax đăng tải dẫn theo lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga. Theo nguồn tin này, các chiến đấu cơ Su-30SM bổ sung mới sẽ được chuyển giao cho không quân Nga tới năm 2016. Điều kiện thực hiện hợp đồng không được các bên tiết lộ.



Su-30SM.
Tháng 3-2012, Bộ Quốc phòng Nga và Irkut đã ký hợp đồng mua 30 chiến đấu cơ Su-30SM đầu tiên. Trước đó, quân đội Nga đã từng đặt mua 40 máy bay loại này (28 máy bay đã được chuyển giao). Trong số chiến đấu cơ Su-30SM được chuyển giao, 12 máy bay đã được biên chế cho lực lượng không quân thuộc Hạm đội Biển Đen, thay thế cho các đơn vị máy bay ném bom Su-24 cũ. Su-30SM là một biến thể của dòng chiến đấu cơ đa nhiệm Su-30MK (phiên bản thương mại) được chế riêng cho quân đội Nga. Về cơ bản, Su-30SM được trang bị ra-đa hàng không, thiết bị điện tử trên khoang tân tiến. Điểm nhấn của Su-30SM là nó được trang bị bào khí trước cho phép máy bay cực kỳ linh động trên không. Tương ứng với hệ thống điện tử mới, Su-30SM cũng được trang bị các tổ hợp vũ khí hàng không tương đương. Với khả năng đạt tốc độ bay tối đa tới 2.100km/giờ, Su-30SM có tầm hoạt động đạt tới 3.000km. “Hỏa lực” của Su-30SM là 8 tấn vũ khí treo dưới thân, cánh tùy theo nhiệm vụ tác chiến.
Quân đội Nhân dân

Hàn Quốc lùi thời hạn thực hiện FX-3 sang năm 2013
Cơ quan Mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) đã quyết định lùi thời điểm công bố kết quả gói thầu tìm mua chiến đấu cơ tàng hình mới cho không quân nước này (FX-3) sang năm 2013. Hãng tin địa phương Korea Times đăng tải, động thái trên của DAPA là để tạo điều kiện có thêm thời gian đàm phán với các nhà thầu tiềm năng.



F-15K Slam Eagle.
Theo FX-3, không quân Hàn Quốc sẽ mua từ 40-60 chiến đấu cơ tàng hình mới trị giá tới 7,3 tỷ USD thay thế cho các đơn vị F-4E và F-5E/F cũ. Trong hai gói thầu FX trước đó, Hàn Quốc đã mua tồng cộng 61 chiến đấu cơ F-15K Slam Eagle. Việc cung cấp chiến đấu cơ mới sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2016 và hoàn thành vào năm 2020. Trong kế hoạch ban đầu, kết quả gói thầu FX-3 đã phải được công bố từ tháng 10-2012. Sau đó, nó được lùi sang tháng 11 cùng năm, nhưng các chuyên gia của DAPA vẫn không có đủ thời gian để đánh giá các sản phẩm dự thầu. Ngoài ra, việc lùi thời điểm công bố kết quả FX-3 cũng liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ được tổ chức vào ngày 19 tới. Việc chuyển giao quyền lực trong năm 2013 có thể sẽ làm gói thầu FX-3 tiếp tục bị lùi lại, mặc dù DAPA khẳng định sẽ cố gắng hoàn tất gói thầu này trong nửa đầu năm 2013.
Quân đội Nhân dân

Iran tuyên bố bắt đầu chế tạo máy bay ScanEagle


Máy bay không người lái tầm ngắn ScanEagle.
Kênh truyền hình Press TV của Iran ngày 17-12 cho biết nước này đã khởi động dây chuyền sản xuất máy bay không người lái tầm ngắn ScanEagle. Press TV dẫn lời Tư lệnh Hải quân Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Ali Fadavi khẳng định dây chuyền sản xuất máy bay không người lái ScanEagle đã bắt đầu được đưa vào hoạt động tại Iran. Tuần trước, một chiếc máy bay không người lái tầm ngắn ScanEagle của Mỹ do hãng Boeing thiết kế đã bị IRGC chặn giữ sau khi nó bay vào không phận của Iran ở Vịnh Persian. Đây là chiếc máy bay không người lái thứ ba của Mỹ bị lực lượng Hải quân Iran thu giữ. Vài ngày trước, Iran tuyên bố có thể chế tạo được loại máy bay do thám không người lái Sentinel RQ-170 của Mỹ mà nước này thu giữ hồi năm ngoái. Các chuyên gia nước này đã phân tích từng bộ phận của chiếc Sentinel RQ-170 này và sử dụng để cải tiến máy bay không người lái của Iran. Trong khi đó, báo chí phương Tây dẫn lời người phát ngôn của Hải quân Mỹ khẳng định Mỹ không bị mất chiếc máy bay không người lái nào ở vùng Vịnh, đồng thời từ chối bình luận về những tuyên bố trên của Iran. Ngoài ra, Thiếu tướng Fadavi cũng thông báo IRGC sẽ sớm tiến hành cuộc tập trận tại Eo biển Hormuz. Cuộc tập trận này dự kiến sẽ diễn ra trước ngày 20-3-2013, thời điểm kết thúc năm cũ theo lịch Hồi giáo của Iran. Theo Tư lệnh IRGC, Iran đang nỗ lực thiết lập nền an ninh lâu dài ở khu vực Eo biển Hormuz - con đường biển chiến lược quan trọng, nơi vận chuyển tới 40% nhu cầu dầu mỏ của thế giới. Tướng Fadavi tuyên bố Mỹ và phương Tây không thể thiết lập an ninh ổn định tại Vùng Vịnh, mà một nền an ninh bền vững tại đây chỉ có thể được tạo dựng thông qua sự hợp tác giữa các nước trong vùng.
Quân đội Nhân dân

Sau Hà Lan, Đức sẽ triển khai Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ
Trong phiên họp hôm 14-12, Quốc hội Đức đã thông qua kế hoạch gửi 2 tiểu đoàn tên lửa phòng không Patriot PAC-3 và các đơn vị kèm theo tới Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định trên nhận được 461 phiếu thuận, 86 phiếu chống và 8 phiếu trắng. Theo đó, các đơn vị Patriot của Đức sẽ được triển khai tại Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 1-2013 tới hết ngày 31-1-2014. Lực lượng này sẽ nằm dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh liên quân NATO châu Âu và không tham gia vào các hoạt động quân sự tại vùng lãnh thổ Syria.



Patriot PAC-3
Đầu tháng 11-2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu NATO triển khai các tổ hợp Patriot bảo vệ không phận nước này sau vụ việc không quân Syria tấn công một địa điểm giáp biên giới. Theo Ankara, cần tối thiểu 15 tổ hợp Patriot để tạo hàng rào bảo vệ không phận rộng 80km dọc theo 900km đường biên giới với Syria. Trong 28 quốc gia NATO (có 6 quốc gia là Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sở hữu tên lửa phòng không Patriot), chỉ có 3 nước: Mỹ, Đức, Hà Lan là có khả năng "chia sẻ" Patriot với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thỏa thuận sơ bộ, Mỹ và Đức sẽ gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ 400 binh sĩ và tổ hợp Patriot đi kèm, còn Hà Lan sẽ là 400-600 lính.
Quân đội Nhân dân

Israel phát triển khung xe thiết giáp hạng nhẹ mới
Bộ Quốc phòng Israel đang cân nhắc trong thời gian tới sẽ phát triển thế hệ khung xe thiết giáp đa dụng hạng nhẹ mới phù hợp cho tác chiến đô thị. Theo Defense News, khung xe thiết giáp mới phải hoàn thiện trước năm 2020. Căn cứ vào các thông tin sơ bộ, khung thân xe thiết giáp mới mang tên Rakiya, sẽ được phát triển dựa trên cơ sở khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Merkava Mk.4 với nhiều cải tiến công nghệ. Hồ sơ mời thầu phát triển thế hệ xe thiết giáp mới của Israel dự kiến được công bố vào cuối năm 2013.



MBT Merkava Mk.4
Hiện vẫn chưa rõ các công nghệ Rakiya sẽ được kế thừa từ MBT Merkava. Tuy nhiên, với vai trò tác chiến bộ binh, Rakiya sẽ được trang bị hệ thống liên lạc, điều phối hỏa lực chuẩn kỹ thuật số. Việc phát triển xe thiết giáp Rakiya tạo ra sự phân cấp phát triển xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới của Israel giữa Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và cơ quan phát triển riêng rẽ thuộc Bộ Quốc phòng. Theo đó, dù có áp dụng nhiều công nghệ của MBT Merkava Mk.4, nhưng xe thiết giáp Rakiya hoàn toàn khác biệt so với MBT thế hệ mới Merkava Mk.5 và nó sẽ được sản xuất đồng thời cùng MBT Merkava Mk.4 và xe thiết giáp Namer từ sau năm 2020. Dự kiến, trong tháng 1-2013, Bộ Quốc phòng Israel sẽ thông qua danh sách yêu cầu đối với khung xe thiết giáp thế hệ mới. Tuy các yêu cầu chưa được công bố, nhưng Rakiya sẽ sử dụng cơ cấu bánh hơi và nhẹ, cơ động hơn đáng kể so với Merkava Mk.4 (65 tấn); trang bị giáp bảo vệ chủ động và thụ động. Với tính năng và đặc điểm gần tương đương MBT Merkava Mk.4, nhưng Rakiya không đóng vai trò là xe tăng thực thụ.
Quân đội Nhân dân

Không quân Nga chuẩn bị nhận một loạt máy bay, trực thăng quân sự mới
Trong thời gian tới, không quân Nga sẽ được chuyển giao khoảng 60 trực thăng và 20 máy bay quân sự mới đặt mua trong năm 2012, đó là thông tin được phát ngôn viên lực lượng không quân tại Bộ Quốc phòng Nga, Đại tá Vladimir Deryabin công bố với hãng tin RIA Novosti. Theo nguồn tin này, trong số các máy bay, trực thăng quân sự sẽ được chuyển giao cho không quân Nga sẽ có trực thăng tấn công Ka-52 Alligator, Mi-35; trực thăng vận tải Mi-8, Mi-26 và các đơn vị chiến đấu cơ Su-35, tiêm kích-bom Su-34.



Ảnh minh họa/ Internet.
"Căn cứ huấn luyện Sokol cũng được trang bị thêm 2 máy bay trực thăng huấn luyện Ansat-U được thiết kế có dải thực hiện nhiệm vụ rộng", ông V. Deryabin cho biết. Trong năm 2012, không quân Nga cũng đã tiếp nhận 60 máy bay mới như: Trực thăng tấn công Mi-28N Night Hunter, Mi-35, các phiên bản của trực thăng Mi-8, chiến đấu cơ Su-30SM, Yak-130 và máy bay vận tải An-140...
Quân đội Nhân dân

Australia đề nghị Mỹ cung cấp giá lô máy bay Super Hornet bổ sung
Bộ Quốc phòng Australia đã đề nghị Cơ quan Hợp tác quốc phòng Mỹ (DSCA) cung cấp giá thành về đơn hàng 24 chiến đấu cơ F/A-18F Super Hornet bổ dự kiến đặt mua. Thông tin trên đã được website Bộ Quốc phòng Australia đăng tải dẫn theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách vũ khí, trang bị Jason Clare.



Ảnh minh họa/ Internet.
Yêu cầu cung cấp thông tin trên không đồng nghĩa với việc Australia chắc chắn sẽ mua thêm máy bay Super Hornet mới. Hồi tháng 4-2012, Australia đã quyết định hoãn kế hoạch mua 12 chiến đấu cơ F-35 Lightning II trong giai đoạn 2014-2015 vì giá quá cao. Trong giai đoạn 2010-2011, Australia đã hoàn tất hợp đồng mua gói chiến đấu cơ Super Hornets đầu tiên gồm 24 chiếc. Hiện, toàn bộ chúng đã sẵn sàng cho các nhiệm vụ tác chiến. Australia dự tính tới năm 2020 sẽ hoán cải 12 chiến đấu cơ Super Hornet thành phiên bản đối kháng điện tử EA-18 Growler với tổng chi phí khoảng 300 triệu USD. Quân đội Australia cần chiến đấu cơ Super Hornet từ năm 2010 như bước đệm để thay thế các đơn vị máy bay ném bom F-111 Aardvark và chờ F-35.
Quân đội Nhân dân


Các nhà khoa học đề xuất sơ đồ radar lượng tử
Các nhà vật lý của Đại học tổng hợp Rochester đã đề xuất sơ đồ chế tạo loại radar mà tín hiệu của nó không thể bí mật chặn thu và làm giả.



Hình ảnh bóng thu được bởi radar. Hình ảnh từ bài báo của Mehul Malik Omar S. Magana-Loaiza, Robert W. Boyd
Bản in trước khi xuất bản của bài báo trên đã được đăng tại kho lưu trữ trên mạng của Đại học Cornell, còn nội dung ngắn gọn của nó được blog Technology Review trích dẫn. Nguyên lý hoạt động của radar này giống như nguyên lý trao đổi khóa lượng tử. Khi trao đổi khóa lượng tử, các đặc tính lượng tử của các photon được sử dụng để kiểm tra độ tin cậy của thông tin từ một nguồn đến người nhận (thường được gọi tương ứng là Alice và Bob, còn kẻ ác ý tìm cách chặn thu thông điệp của họ được gọi là Eve). Thông tin mà Alice chuyển cho Bob thường được mã hóa bằng việc phân cực hóa các photon đơn nhất hay các nhóm nhỏ của chúng. Độ tin cậy của việc truyền tin đó là ở chỗ không thể đo trạng thái của photon mà không phá hủy nó, nghĩa là mọi mưu toan chặn thu thông tin sẽ bị Bob phát hiện. Còn với radar, Alice và Bob cùng là một người (máy phát và máy thu tia radar), còn Eve là máy bay đang mưu toan chặn thu tín hiệu radar và làm biến đổi nó để thay đổi hình dáng bề ngoài hay vị trí của mình. Các tác giả đã cho thấy có thể khám phá chiến thuật đó của đối phương nếu như sử dụng công nghệ truyền khóa lượng tử trong hoạt động của radar. Lúc đó, ngoài bản thân dữ liệu (các hình dáng máy bay), radar còn thông báo cả mức độ tin cậy của chúng. Như vậy, có thể dễ dàng tín hiệu giả với tin hiệu thật. Mới đây, một nhóm nghiên cứu đã thực hiện trao đổi khóa lượng tử giữa một trạm mặt đất và máy bay đang chuyển động với sự trợ giúp của một laser hồng ngoại.
VietnamDefence

Nga thiết kế, đóng tàu ngầm tối tân thế hệ 4 cho Trung Quốc
Trung Quốc để mắt đến tàu ngầm thế hệ 4 Amur-1650 của Nga. Trung Quốc đang quan tâm đến tàu ngầm thông thường thế hệ 4 tối tân nhất của Nga Projekt 1650 Amur. Hãng Rosoboronoexport đã ký hợp đồng khung với phía Trung Quốc để cùng thiết kế và đóng 4 tàu ngầm như vậy cho hải quân Trung Quốc. Dự kiến, hợp đồng cứng trị giá 2 tỷ USD sẽ được ký không sớm hơn năm 2015, có nghĩa là Trung Quốc có thể vượt trước Ấn Độ và Venezuela, hai nước trước đó cũng quan tâm đến Amur-1650.






Việc Rosoboronoexport đang thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc đóng tàu ngầm Projekt Amur-1650 do một nguồn tin gần gũi với hãng xuất khẩu vũ khí Nga này tiết lộ. Theo nguồn tin này, cuối tháng 8/2012, hai bên đã ký hợp đồng khung về việc hợp tác thiết kế và đóng 4 tàu ngầm Amur-1650 theo cơ chế 2/2 (2 chiếc sẽ đóng tại Nga, 2 chiếc ở Trung Quốc). “Việc xuất khẩu công nghệ không phải là việc duy nhất với cuộc thầu dự kiến của Ấn Độ (mua 6 tàu ngầm thông thường). Dự đoán, linh kiện do Trung Quốc sản xuất sẽ chiếm không quá 30% trong sản phẩm cuối cùng. Việc ký hợp đồng dự kiến không sớm hơn năm 2015 года”, nguồn tin nói. Một nguồn thạo tin khác cho biết thêm rằng, hợp đồng tàu ngầm là cực kỳ quan trọng đối với Nga và đứng đầu trong danh sách các dự án với Trung Quốc mà Tổng thống Nga xác định. Một hợp đồng bổ sung về việc tiến hành giai đoạn 1 có thể được ký trước cuối năm nay. Hiện thời, nhà sản xuất ở phía Nga tham gia dự án chưa được xác định.

Tại Rosoboronoexport người ta không bình luận về hợp đồng tàu ngầm với Trung Quốc. Tuy nhiên, vào giữa tháng 11/2012, Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga (FSVTS) Konstantin Biryulin đã nói rằng, Trung Quốc là đối tác chiến lược của Nga, trong năm 2011-2012, hai bên đã trao đổi các đoàn và làm quen với cơ sở sản xuất và năng lực của các hãng đóng tàu, sửa chữa tàu của Nga và Trung Quốc. Tàu ngầm điện-diesel lớp Projekt 677 Lada do Viện thiết kế TsKB Rubin ở St. Petersburg thiết kế. Vào cuối thập niên 1990, Nga đã khởi đóng 2 tàu tại hãng Admiralteiskye verfi (và thêm 2 tàu nữa vào năm 2005-2006). Tàu ngầm có chiều dài 66,8 m, đường kính thân chính 7,1 m, lượng giãn nước khi nổi 1.765 tấn (2.650 tấn khi lặn), độ sâu lặn tối đa 300 m, tốc độ chạy ngầm 21 hải lý/h, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm, thời gian lặn đến 25 ngày đêm (với hệ thống động lực không cần không khí AIP). Tàu được trang bị tên lửa hành trình Club-S, ngư lôi và thủy lôi (cơ số 18 đơn vị vũ khí), thủy thủ đoàn 35 người.

Tàu đầu tiên của lớp Lada là St. Petersburg được Hải quân Nga đưa vào sử dụng thử vào tháng 5/2010 và đang được khai thác cường độ cao. Mùa xuân 2012, dự án này suýt bị đóng cửa khi cựu Tư lệnh Hải quân Nga Vladimir Vysotsky nói rằng, Hải quân Nga không cần tàu ngầm Lada ở dạng hiện tại. Sau đó, ông Vysotsky giải thích là ông nói đến hệ thống động lực của tàu St. Petersburg không đáp ứng các thông số nêu ra. Nhưng tháng 5/2012, theo quyết định của tân Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Chirkov, Admiralteiskye verfi tiếp tục đóng 2 tàu ngầm sản xuất loạt là Kronshtadt và Sevastopol nhưng theo thiết kế kỹ thuật cải tiến. Ngoài ra, Nga đang chế tạo mẫu động cơ AI). Theo đánh giá của ông Vysotsky, tàu ngầm Nga đầu tiên với động cơ AIP sẽ được chế tạo vào năm 2014. Các tàu ngầm Amur-1650 dành cho Trung Quốc sẽ được trang bị động cơ AIP do nước ngoài sản xuất, một nguồn tin nắm được quá trình đàm phán cho hay.

“Theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài (Trung Quốc”, động cơ sẽ là của họ được chế tạo dựa trên động cơ AIP dạng Stirling”, nguồn tin nói nhưng không tiết lộ nước sản xuất động cơ. (VietnamDefence: Có lẽ đây là Thụy Điển, quốc gia nắm công nghệ AIP Stirling và đang hợp tác kỹ thuật quân sự với Trung Quốc ở lĩnh vực này) Động cơ Stirling có độ độc hại của sản phẩm cháy thấp và độ ồn nhỏ. Nhờ các ưu điểm này, các nhà đóng tàu Thụy Điển đã sử dụng động cơ này trên tàu ngầm lớp Gotland (do hãng đóng tàu Thụy Điển Kockums thiết kế năm 1985-1990, có thể lặn liên tục đến 20 ngày đêm). Hiện nay, toàn bộ các tàu ngầm của Hải quân Thụy Điển đều được trang bị động cơ Stirling. Các động cơ này cũng được lắp cho các tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản.

Các nguồn tin trấn an rằng, Trung Quốc sẽ không thể sao chép tàu ngầm Nga vì các hạn chế trong hợp đồng sẽ không cho phép việc đó. Nga và Trung Quốc cũng đang chuẩn bị ký kết hiệp định về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Việc này đã được Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin công khai thông báo ngày 6/12/2012. “Phía Trung Quốc đang phát tín hiệu nói rằng, họ hoàn toàn chấp nhận tín hiệu của chúng tôi về việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất Nga. Hiệp định này sẽ được chuẩn bị và sẽ được ký kết trong thời gian sắp tới”, ông Rogozin nói. Như vậy, Trung Quốc có thể vượt trước Ấn Độ, nước cho đến nay vẫn được coi là ứng viên chính mua Amur-1650, để trở thành khách hàng đầu tiên mua Amur-1650. Cuối năm ngoái, được biết Ấn Độ có kế hoạch mở thầu mua và đóng theo giấy phép 6 tàu ngầm thông thường trị giá 10,7 tỷ USD. Rosoboronoexport chào bá Amur-1650 cho phía Ấn Độ, thậm chí đã giới thiệu cả bản vẽ. Một trong những điều kiện của cuộc đấu thầu là tàu ngầm phải có động cơ AIP. Đến nay, cuộc đấu thầu này chưa được chính thức mở. Trước đó, Venezuela cũng quan tâm tới Amur-1650. Tình hình trầm trong thêm khi gần đây Ấn Độ và Trung Quốc đã ở bên bờ xung đột vì yêu sách của Trung Quốc đối với các mỏ dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông, đang do Công ty nhà nước Oil and Natural Gas Corp (ONGC) của Ấn Độ thăm dò. Để bảo vệ lợi ích của mình, Delhi đe dọa phái tàu chiến đến khu vực tranh chấp. Chính quyền Trung Quốc đang định từ ngày 1/1/2013 cưỡng chế khám xét các tàu nước ngoài tại khu vực này зоне. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và công nghệ Nga (TsAST) Konstantin Makienko, nền tảng của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc hiện được cấu thành bởi các tàu ngầm Nga lớp Projekt 877 và 636. “Thời kỳ Liên Xô, hải quân Trung Quốc đã nhận vào trang bị 12 tàu ngầm này (Trung Quốc có tổng cộng 50 tàu ngầm). Ngoài ra, Trung Quốc còn có các tàu ngầm nội địa mà bề ngoài gần giống với tàu ngầm Projekt 636 của Nga. Nhưng xem ra, chúng khá ồn và không thật thỏa mãn giới quân sự Trung Quốc mà chỉ dấu tốt nhất cho điều đó là hợp đồng mua tàu ngầm Amur”, ông Makienko nói. Theo ông Makienko, hợp đồng bán Amur-1650 cho Trung Quốc, tính cả chuyển giao công nghệ có thể mang lại cho Nga đến 2 tỷ USD.
Trong khi đó, hạm đội tàu ngầm Ấn Độ lại khá khiêm tốn và chỉ gồm 10 tàu ngầm Nga lớp Projekt 636М Kilo, 4 tàu ngầm Đức do HDW đóng và 1 tàu ngầm hạt nhân Akula-2 (Projekt 971) thuê của Nga với chi phí 1 tỷ USD.
VietnamDefence

Belarus mua Yak-130
Bộ Quốc phòng Belarus đã ký với tổng công ty Irkut của Nga hợp đồng mua 4 máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130, chuyển giao vào năm 2015.



Yak-130 tại Triển lãm MAKS-2009 (MastermindPrime/ wikipedia.org)
Hợp đồng được ký trong khuôn khổ thực hiện hiệp định Nga-Belarus về việc phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự ký ngày 10/12/2009. Tham gia lễ ký kết có Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Belarus Yu. Zhdobin, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Belarus A. Surikov, Giám đốc Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân Nga A. Fomin, Chủ tịch Tổng công ty Irkut O. Demchenko. Như vậy, Belarus đã trở thành quốc gia SNG đầu tiên mua Yak-130. Belarus để mắt tới Yak-130 từ năm 2009. Tháng 11/2011, phi công-thanh tra viên Bộ Tư lệnh Phòng không-không quân Belarus Vladimir Nichiporchik đã có chuyến bay làm quen trên Yak-130. Tháng 1/2012, cổng thông tin Naviny đưa tin về kế hoạch của Belarus mua Yak-130 trong hai năm tới. Hiện nay, Không quân Belarus sử dụng các tiêm kích Su-27UB và MiG-29UB, cường kích Su-25UB để huấn luyện phi công. Năm 2006, Belarus đã mua từ Ukraine một số máy bay L-39 Albatros của Czech. Máy bay huấn luyện chiến đấu hai chỗ ngồi Yak-130 dùng để đào tạo cơ bản và nâng cao phi công chiến thuật. Yak-130 do Công ty “Viện thiết kế mang tên A.S. Yakovlev” (nằm trong Irkut) phát triển và đang được sản xuất loạt tại Nhà máy chế tạo máy bay Irkut. Yak-130 là máy bay huấn luyện chiến đấu thế hệ mới đầu tiên trên thế giới, cho phép đào tạo ở trình độ tiên tiến nhất phi công lái máy bay chiến đấu thế hệ 4 và 5. Máy bay có tốc độ đến 1.060 km/h và tầm bay đến 2.000 km, có thể được trang bị các loại tên lửa, bom, cũng như các thùng gắn pháo có tổng trọng lượng đến 3 tấn. Không quân Nga hiện có 12 Yak-130. Trước cuối năm 2012, Irkut dự định chuyển giao thêm 25 chiếc. Đến năm 2020, Không quân Nga dự định tiếp nhận 65 chiếc Yak-130. Ngoài Belarus, các nước đã đặt mua Yak-130 còn có Algeria, Syria, Việt Nam và Libya.
VietnamDefence

Giải pháp hạn chế chảy máu trong bằng keo bọt
Cục Các dự án quốc phòng tiên tiến DARPA thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và Công ty Medical Inc Arsenal đanng phát triển một loại bọt đặc biệt có thể bơm vào khoang bụng trong điều kiện dã chiến để ngăn chặn hoặc làm chậm rất nhiều sự chảy máu trong.



Nếu dự án kết thúc thành công, loại nút gạc khác thường này sẽ giúp các bác sĩ ổn định tình trạng người bị thương và tranh thủ thời gian cần thiết để vận chuyển đến các cơ sở phẫu thuật. Các bác sĩ vốn đã quen thuộc với khái niệm “giờ vàng” - đó là 60 phút đầu tiên sau khi bị chấn thương hoặc vết thương khi mà tính chất và cường độ trợ giúp y tế có vai trò quan trọng nhất để duy trì sức khỏe và tính mạng của nạn nhân. Các vết thương kín của khoang bụng nguy hiểm do hiện tượng chảy máu vốn thường không thể ngăn chặn trong quãng thời gian này kể cả khi được chẩn đoán kịp thời, bởi vì nó đòi hỏi sự can thiệp phẫu thuật không thể thực hiện tại chiến trường hay nơi xảy ra thảm họa. Loại polymer bọt này gồm hai thành phần - polyol (cồn cao phân tử) và các isocyanate. Người ta không nói đó là những loại isocyanate nào, nhưng rõ ràng chúng đã được lựa chọn vì vô hại cho sức khỏe (các loại isocyanate phổ biến, như 2,4-Toluene diisocyanate được sử dụng trong sơn, cốt liệu bê tông, keo bọt). Sau khi được đưa vào trong khoang bụng, các chất lỏng này hòa lẫn, tham gia vào phản ứng và trương nở lên đến 30 lần so với thể tích được đưa vào, giống như loại bọt dùng để lắp đặt các cửa sổ nhựa. Trong quá trình trương nở, bọt lấp đầy các khoang, cứng lại và bao bọc các cơ quan nội tạng và làm kín các điểm chảy máu.

Việc loại bỏ bọt thực hiện rất nhanh, nhưng chỉ có thể làm bằng cách phẫu thuật. Các xét nghiệm đã ghi nhận có sự bám dính không đáng kể của bọt vào các mô, nhưng các bác sĩ phẫu thuật đã xử lý được các tồn dư bị cứng lại trong không quá một phút. Các thử nghiệm trên người còn chưa được thực hiện, và nhà nghiên cứu hiện thời mới kiểm tra các phương pháp dựa trên những tổn thương tương tự ở lợn. Tuy nhiên, các dữ liệu thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy, khi sử dụng bọt, khả năng sống sót của những bệnh nhân bị tổn thương gan sau ba giờ kể từ thời điểm chấn thương tăng từ 8 lên 72%, và sự mất máu giảm sáu lần. Hiện tại, Arsenal Medical Inc đang ở giai đoạn thứ hai của dự án trị giá 15,5 triệu USD này với dự định bổ sung một số cải tiến và bắt tay vào các thử nghiệm lâm sàng. "Nếu các kết quả thử nghiệm được khẳng định, công nghệ “bọt” sẽ ảnh hưởng tới đến đến 50% thương tích chiến đấu tiềm năng có thể điều trị. Chúng tôi nóng lòng trông đợi việc phối hợp với Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) trong vấn đề nộp đơn đăng ký, và với các đối tác của chúng tôi ở Viện Nghiên cứu phẫu thuật Lục quân Mỹ (USAISR) và Bộ chỉ huy Tác chiến đặc biệt Mỹ (SOCOM), những tổ chức sẽ có thể đưa công nghệ của chúng tôi ra tiền tuyến", ông Brian Holloway, lãnh đạo chương trình tại DARPA, nói. Các công trình nghiên cứu khoa học ở Mỹ thường gắn liền với nhu cầu của quân đội. Mặt khác, DARPA nói chung không phải là tổ chức bủn xỉn nên loại bọt kiềm chế chảy máu trong sẽ nhanh chóng xuất hiện trong các bộ dụng cụ y tế của các xe cứu thương dân sự sau khi nó bắt đầu được sử dụng trong các quân y viện.
VietnamDefence

Tàu ngầm Việt Nam chạy thử
Việt Nam nhận tàu ngầm Kilo đầu tiên trước thời hạn, vào tháng 8/2013.



Tàu ngầm điện-diesel Projekt 636 Varshavyanka (fas.org)
Đầu tháng 12/2012, hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi (Nga) đã bắt đầu chạy thử tàu ngầm đầu tiên lớp Projekt 06361 Varshavyanka, một nguồn tin tại hãng đóng tàu cho hay. Nguồn tin không nói rõ quốc gia đặt hàng tàu này là nước nào. Theo thông tin chưa được khẳng định, quốc gia đặt hàng đã đặt tên Hà Nội cho tàu ngầm này theo tên thủ đô của Việt Nam. Dự kiến, tàu ngầm được đóng hoàn thiện sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào tháng 8/2013. Trong thời gian chạy thử, tàu ngầm Hà Nội sẽ trú đóng tại cảng Svetly, gần Kaliningrad. Đây là tàu đầu tiên thuộc biến thể xuất khẩu Projekt 06361, được lắp các trang thiết bị cải tiến và mới. Cụ thể, nguồn tin tiết lộ, tàu được trang bị hệ thống mới bảo đảm sinh hoạt cho thủy thủ đoàn. Hệ thống này trước đó đã được thử nghiệm thành công trên tàu ngầm St. Peterburg lớp Projekt 677 Lada của Nga. Theo kế hoạch hiện tại, sau tết, tàu ngầm Projekt 06361 sẽ thực hiện 6 cuộc đi biển, mỗi cuộc dài 10-12 ngày để huấn luyện thủy thủ đoàn Việt Nam. Đầu tháng 5/2013, con tàu với số hiệu nhà máy 01339 này sẽ trở lại xưởng đóng tàu Admiralteiskye verfi để khắc phục những trục trặc phát hiện được. Tháng 8/2013, dự kiến tàu được bàn giao cho Việt Nam. Tàu ngầm này được khởi đóng vào năm 2010 và hạ thủy vào tháng 8/2012. Việt Nam đã đặt mua của Nga 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka vào năm 2009 do Admiralteiskye verfi đóng trị giá 1,8 tỷ USD. Tháng 7/2011, có tin, Việt Nam sẽ nhận được tàu ngầm đầu tiên vào năm 2014 và chiếc cuối cùng vào năm 2019. Hiện nay, Việt Nam chưa có hạm đội tàu ngầm và các tàu Varshavyanka sẽ là những tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Việt Nam. Dự kiến, Hải quân Nga sẽ giúp Hà Nội xây dựng các căn cứ tàu ngầm. Năm 2010, có tin, Nga cũng có thể cấp tín dụng xuất khẩu để Việt nam xây dựng một căn cứ hải quân, mua tàu và xây dựng không quân hải quân. Tàu ngầm lớp Kilo Projekt 636 có lượng giãn nước 3.950 tấn, tốc độ đến 20 hải lý/h, thời gian hoạt động độc lập 45 ngày đêm. Tàu được trang bị 6 ống phòng lôi 533, có thể dùng để rải thủy lôi và phóng tên lửa hành trình.
VietNamDefence

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.