Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Mỹ nghiên cứu các kịch bản chiến tranh với Trung Quốc





Infonet:
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi Trung Quốc là “kẻ thù” và chỉ đạo nghiên cứu mức độ của mối đe dọa hạt nhân từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng bắt đầu tái điều động hạm đội của nước này tới Vành đai Thái Bình Dương.
Mỹ đang nghiên cứu kịch bản cho chiến tranh với Trung Quốc trong tương lai?
Theo tờ Pravda (Sự Thật – Nga), tình trạng đối đầu này bắt nguồn từ hai nguyên nhân, cả về mặt kinh tế và chính trị.

Trong tương lai gần, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có thể vượt qua Hoa Kỳ xét về tổng thu nhập quốc dân GDP (theo một số chuyên gia thì chỉ trong 8 năm nữa). Hoa Kỳ đang trải qua thời kỳ suy thoái, thất nghiệp cao và có nguy cơ vỡ nợ. Trung Quốc đang tăng trưởng đều đặn, áp đặt tỉ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp hơn giá trị thực nhằm giúp thúc đẩy phát triển trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, Trung Quốc bắt đầu rút đô la Mỹ ra khỏi khối dự trữ ngoại tệ của mình và đầu tư mua vàng, euro và nguyên liệu thô. Như vậy xu hướng ngày càng trở nên rõ nét là Trung Quốc không còn muốn trở thành chủ nợ của Mỹ nữa.

Hoa Kỳ lo ngại về các vấn đề trên và tìm cách xử lý thông qua các thể chế quốc tế. Ví dụ, ông Obama đã kí một bản khiếu kiện lên WTO, cáo buộc Chính phủ Trung Quốc trợ giá cho các công ty sản xuất ô tô nước này. Còn các nhà lập pháp Hoa Kỳ thì trên thực tế đã coi Trung Quốc là kẻ thao túng tỉ giá nhân dân tệ - USD. Hiện Hoa Kỳ đã áp đặt các rào cản thương mại đối với 20 mặt hàng của Trung Quốc. Tuy nhiên, những biện pháp trên của Mỹ chỉ như muối bỏ biển.

Tại sao vậy? Bởi vì Hoa Kỳ quá lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc đến nỗi nếu sử dụng các biện pháp cấm vận như vậy thì Hoa Kỳ sẽ chỉ càng phá hoại chính nền công nghiệp của mình và đẩy nền công nghiệp đó cho Trung Quốc.

Xét về khía cạnh chính tri, trước tiên, hai quốc gia thuộc hai hệ thống chính trị hoàn toàn khác nhau. Một bên là Trung Quốc, một quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản, tập thể và bị cô lập còn một bên là Hoa Kỳ với nền chính trị chuộng tự do, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân.

Thứ hai, mối quan hệ chính trị giữa hai nước xấu đi nghiêm trọng kể từ tháng 1/2012 khi Hoa Kỳ công bố học thuyết quân sự mới, lấy châu Á làm “trọng tâm” và tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về tranh chấp chủ quyền trên biển có thể đưa Hoa Kỳ tới một lựa chọn khó khăn là sát cánh cùng đồng minh Nhật Bản dấn thân vào một cuộc xung đột quân sự. Kịch bản tương tự cũng có thể xảy ra với Philippines, quốc gia kí kết hiệp ước quốc phòng song phương với Hoa Kỳ.

Trung Quốc hiện đang phô trương sức mạnh, tiến hành các cuộc tập trận ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiến hành các cuộc tấn công mạng chống lại Mỹ và tác động để người dân nước này đổ xuống đường biểu tình chống Nhật Bản. Đáp lại, Hoa Kỳ cũng tiến hành các cuộc tập trận, cố gắng đóng vai trò làm trọng tài cho các cuộc tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, thỏa thuận với Hàn Quốc về tên lửa đạn đạo và xây dựng một căn cứ quân sự ở Australia, vân vân.

Tình hình đang ngày càng trở nên xấu đi, và Hoa Kỳ đang cân nhắc tới các kịch bản chiến tranh với Trung Quốc và thậm chí là cả một cuộc xung đột hạt nhân. Vào ngày 2/1, ông Obama đã đưa vào luật một khái niệm mới về an ninh quốc gia, ra lệnh cho Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ đến ngày 15/8 phải báo cáo về mạng lưới hầm ngầm của Trung Quốc và năng lực của Hoa Kỳ trong việc sử dụng các vũ khí thông thường và hạt nhân nhằm vô hiệu hóa và phá hủy các đường hầm này.

Mỹ đang tìm hiểu về “Vạn Lý Trường Thành dưới mặt đất”– nơi được cho là hầm ngầm chứa vũ khí của Trung Quốc.


Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ Hans Kristensen cho rằng sự thiếu minh bạch trong ý đồ của hai nước làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh Mỹ - Trung. Theo ông, hai nước đang nhảy một điệu nhảy nguy hiểm làm tăng căng thẳng quân sự và có khả năng dẫn tới một cuộc chiến nhỏ ở Thái Bình Dương.

Ian Bremmer, một nhà khoa học chính trị Mỹ, cho rằng mối quan hệ chiến lược hiện nay giữa hai nước rất giống với cuộc Chiến tranh lạnh.

Ông cho rằng hệ tư tưởng của Hoa Kỳ vẫn chưa thay đổi mặc dù sức mạnh của nó không còn được như trước nữa. Những nội dung chính của hệ tư tưởng đó vẫn là tự do cá nhân, dân chủ và tự do kinh doanh. Nhưng trong những năm gần đây, hệ tư tưởng này đã bị “tấn công” dữ dội bởi cả cuộc khủng hoảng tài chính, những hành động vi phạm nhân quyền ở Guantanamo và Abu Ghraib cũng như lợi nhuận khổng lồ của các tập đoàn nhờ thu lại từ các cuộc bầu cử. Những thể chế cũ như G-20 đã không còn tác dụng nữa. Ông Bremmer cho rằng Hoa Kỳ chưa chuẩn bị gì nhiều cho nguy cơ Chiến tranh lạnh.

Theo các chuyên gia thì xét đến cùng, nếu Mỹ muốn thiết lập một mối quan hệ có hiệu quả với Trung Quốc thì nên xây dựng một hình thức tổ chức mà có thể thu hút Trung Quốc tham gia. Ông Bremmer cho rằng cần phải tạo ra một “câu lạc bộ” mà Trung Quốc sẽ muốn trở thành một thành viên, tuy nhiên, ông không giải thích cụ thể “câu lạc bộ” đó sẽ như thế nào.

Có thể ông Bremmer nói về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Mỹ coi là một công cụ của chiến lược “quay trở lại châu Á” và thay thế APEC. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không tham gia vào một tổ chức mà các luật lệ do Mỹ tự đưa ra và điều đó cho thấy sự hình thành của một “câu lạc bộ” như vậy là không có cơ sở thực tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.