Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Tin quân sự




Quân đội Mỹ nhận trực thăng tấn công Apache phiên bản mới
Hãng chế tạo hàng không Boeing vừa cung cấp cho quân đội Mỹ lô 21 trực thăng tấn công AH-64E Apache đầu tiên trên tổng số 51 máy bay thuộc giai đoạn sản xuất thử của dòng trực thăng tấn công phiên bản mới này. Trong tương lai, Boeing sẽ tiếp tục cung cấp cho quân đội Mỹ tổng cộng khoảng 634 trực thăng AH-64E. Theo kế hoạch, Boeing sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt phiên bản AH-64E từ năm 2013 và phiên bản trực thăng này sẽ tiếp tục được nâng cấp. Cụ thể, tại lô sản xuất thử Lot-4 tới Lot-6, AH-64E sẽ được trang bị hệ thống đảm bảo mới cho phép giảm thời gian trong các lần bảo dưỡng và chuẩn liên kết thông tin Link 16.



Trực thăng tấn công AH-64E.

Ngoài ra, Boeing cũng dự định thay thế hệ thống ra-đa APG-78 Longbow do hãng Northrop Grumman phát triển. Hiện tại, ra-đa này được lắp trên đỉnh trục quay cánh quạt của trực thăng Apache giúp tăng tầm và khả năng phát hiện các mục tiêu trên bộ. Trong tương lai, AH-64E sẽ được trang bị ra-đa mảng định pha chủ động mới. Quá trình sản xuất thử trực thăng AH-64E bắt đầu từ tháng 4-2012 và tới tháng 11 cùng năm, chiếc AH-64E đầu tiên đã được cung cấp cho quân đội Mỹ. Cần biết rằng, trước tháng 10-2012, AH-64E được biết tới với tên mã AH-64D Block III với một loạt cải tiến trong thiết kế, cũng như trang bị điện tử đi kèm. Theo các thông tin được công bố, AH-64Eđược trang bị hệ thống cánh quạt làm từ vật liệu composite, động cơ T700-GE-701D, thiết bị điều khiển bay và hỗ trợ quan sát trong đêm tối mới. Đặc biệt, AH-64Ecó thể liên kết và điều khiển các máy bay không người lái trong khu vực để nâng cao khả năng tác chiến. Với khả năng đạt tốc độ bay tối đa tới 300 km/giờ, tầm hoạt động của AH-64E đạt 2.000 km. Trang bị hỏa lực của dòng trực thăng mang tên một tộc người thổ dân da đỏ hiếu chiến này sẽ là 1 pháo hàng không 30 mm, rocket Hydra 70, tên lửa chống tăng có điều khiển AGM-114 Hellfire và tên lửa không đối không AIM-92 Stinger và AIM-9 Sidewinder.
Quân đội Nhân dân

Mỹ tặng Lebanon 200 xe thiết giáp M113
Theo tạp chí quân sự Janes, Mỹ đã tặng quân đội Lebanon 200 xe thiết giáp chở quân M113. Chuyến tàu chở lô xe thiết giáp trên đã cập cảng Beirut hôm 6-1. Mặc dù, toàn bộ xe M113 tặng đều chạy được, nhưng chúng sẽ được các công ty Lebanon tiến hành trung tu trước khi chuyển lại cho quân đội nước này. Thông tin chi tiết về lô hàng viện trợ trên không được công bố.



Ảnh minh họa/ Internet.
Trong 6 tháng cuối năm 2012, Mỹ đã viện trợ cho Lebanon tổng cộng 140,37 triệu USD. Số tiền trên được chi thông qua hợp đồng cung cấp 6 máy bay trực thăng đa nhiệm UH-1H Huey II và các dịch vụ kèm theo; xây dựng trường đào tạo phi công ở căn cứ không quân Rayak và một tàu tuần tra lớp RiverHawk. Ngoài ra, quân đội Lebanan còn được tặng 1.000 súng trường M16A4, 12 súng máy M2, 80 súng phóng lựu M203A2, 79 xe thiết giáp hạng nhẹ HMMWV, 10 xe tải và lựu pháo kéo M198 kèm theo. Tính từ năm 2006 tới nay, Mỹ đã viện trợ quân sự cho Lebanon 900 triệu USD. Số tiền trên được cộng trực tiếp vào ngân sách quốc phòng hằng năm của quốc gia Cận Đông này.
Quân đội Nhân dân

Nga chuẩn bị thành lập không đoàn Su-34 số 2
Trong tháng 1-2013, không quân Nga sẽ thành lập không đoàn máy bay tiêm kích-bom Su-34 số 2 tại căn cứ không quân Voronezh thuộc Quân khu phía Tây. Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, vào ngày 15-1 tới, không quân Nga sẽ tiếp nhận thêm 5 máy bay Su-34 mới đủ để thành lập đơn vị nói trên. Dự kiến, 2 không đoàn Su-34 đầu tiên sẽ bắt đầu trực chiến từ cuối tháng 1-2013. Nhiệm vụ chính của các đơn vị này là thực hành tiếp liệu trên không để nâng tầm hoạt động của máy bay Su-34 trong chiến đấu.



Máy bay ném bom Su-34 Fullback
Đại diện hãng Sukhoi cho biết đã chuyển giao cho không quân Nga 10 máy bay Su-34 theo hợp đồng năm 2012 và 5 máy bay Su-34 đầu tiên của không đoàn số 2 đã tới căn cứ Baltimor vào ngày 25-12-2012 (không đoàn Su-34 số 1 đã được thành lập ngày trong cuối năm 2012). Cùng với việc tiếp nhận máy bay Su-34 mới, căn cứ Voronezh cũng đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng và dịch vụ bảo dưỡng cho các đơn vị máy bay chiến đấu mới trên. Là dòng máy bay ném bom siêu thanh hai động cơ, Su-34 có thể mang theo 8 tấn vũ khí các loại, trong đó bao gồm cả các dòng vũ khí chính xác cao. Su-34 được xếp vào dòng máy bay thế hệ 4+; có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết. Với tốc độ bay tối đa khoảng 1.900km/giờ, tầm hoạt động của Su-34 ước khoảng 4.000km. Trang bị hỏa lực cơ bản của Su-34 là một pháo hàng không 30mm và đa phần các loại bom, rocket, đạn tên lửa hiện đại của Nga hiện có tùy theo nhiệm vụ chiến đấu.
Quân đội Nhân dân

Khám phá kho vũ khí bí mật Trung Quốc
Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng một quân đội lớn hơn, trang bị vũ khí tinh vi hơn. Đây là những gì họ có, những gì họ muốn có, và những gì có ý nghĩa đối với Mỹ.

Ẩn kiếm
Năm 2006, Trung Quốc hé lộ một thiết kế máy bay không người lái (UAV) gọi là Anjian (Ẩn kiếm, Dark Sword), nhưng từ đó nó đã biến mất khỏi con mắt công chúng. Các nhà phân tích phương Tây không chắc liệu máy bay này vẫn còn đang được phát triển hay không. Nếu có, những tính năng thiết kế nhất định, chẳng hạn như một động cơ phản lực-không khí dòng thẳng (ramjet) cho thấy đây là một UAV tốc độ cao, có thể làm nhiệm vụ giám sát và tấn công ở xa bờ biển Trung Quốc. Dù số phận của Dark Sword ra sao, các kế hoạch UAV của Trung Quốc vẫn đầy tham vọng. Mùa hè 2012, chính phủ Trung Quốc đã công bố các kế hoạch xây dựng 11 căn cứ UAV ở ven biển.



Ẩn kiếm
Dực thủ long I


UAV Dực thủ long I (Pterodactyl I) của Trung Quốc rất giống với UAV Predator của quân đội Mỹ. Dường như, nó được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát thời gian dài, ở độ cao trung bình, và tấn công. Một UAV khác của Trung Quốc là Thăng Long (Soaring Dragon) trông giống như một phiên bản nhỏ hơn của RQ-4 Global Hawk của quân đội Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng, nó được thiết kế để giám sát trên biển và trinh sát ở độ cao lớn.



Dực thủ long I và Thăng long
J-20

Năm 2011, quân đội Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm J-20, tiêm kích tàng hình đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển. Máy bay này được cho là có thể được đưa vào trang bị sau năm 2017. Các nhà phân tích cho rằng, J-20 được trang bị lớp phủ làm tán xạ sóng radar và có các khoang vũ khí bên trong thân. Hiện có rất ít thông tin công khai về chương trình về chương trình phát triển máy bay tiêm kích của Trung Quốc, nhưng sự xuất hiện vào tháng 9/2012 của mẫu chế thử tiêm kích tàng hình thứ hai là J-31 Falcon Eagle mà một số nhà quan sát cho là có thể có khả năng cất/hạ cánh trên tàu sân bay cho thấy, J-20 chỉ là loại đầu tiên trong một loạt các tiêm kích tiên tiến của Trung Quốc.



J-20
DF-21D

Tên lửa đạn đạo triển khai tĩnh tại là mục tiêu dễ dàng cho các lực lượng đối phương để tiêu diệt bằng đòn tấn công phủ đầu. Các tên lửa cơ động DF-21D phóng từ xe ô tô bệ phóng thì không phải như vậy. Sau khi được phóng lên từ gần bờ biển, tên lửa bay vào vũ trụ rồi quay trở lại khí quển với tốc độ hơn 3.000 dặm/h và lao 1.300 kg thuốc nổ vào mục tiêu. Trung Quốc không đặt cho DF-21D biệt danh “sát thủ tàu sân bay”. Các nhà phân tích quân sự Mỹ đã làm như vậy.



Tên lửa đường đạn đạo chống tàu DF-21D
Thần long


Với một trạm không gian đang được xây dựng và các kế hoạch cho một chuyến bay vũ trụ có người lái lên mặt trăng, Trung Quốc đang tìm cách làm thay đổi cán cân sức mạnh trên quỹ đạo. Năm 2007, Trung Quốc đã phô trương các tên lửa chống vệ tinh bằng cách bắn hạ một vệ tinh thời tiết bị loại bỏ, tạo ra 40.000 mảnh rác trong vũ trụ. Hiện nay, họ đang thử nghiệm một phương tiện bay quỹ đạo không người lái quỹ đạo có tên là Thần long (Shenlong). Có thể sánh với máy bay vũ trụ X-37B của Không quân Mỹ, Thần long có thể nhanh chóng đặt các vệ tinh vào quỹ đạo và có tiềm năng mang các vũ khí có thể vô hiệu hóa các vệ tinh thông tin, định vị và giám sát của các quốc gia đối địch.



Máy bay vũ trụ Thần long
VietnamDefence


Tàu ngầm HQ-183 TP. Hồ Chí Minh hạ thủy
HQ-183 TP. Hồ Chí Minh, tàu ngầm thứ hai của Việt Nam, mới được hạ thủy ở St. Petersburg, Nga.



Tàu ngầm HQ-183 TP. Hồ Chí Minh (số hiệu nhà máy 01340) đang đóng cho Hải quân Việt Nam được hạ thủy tại hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi ở St. Petersburg (3.1.2013, Curious / forums.airbase.ru)
Ngày 28/12/2012, tại hãng đóng tàu Admiralteiskye verfi ở St. Petersburg, Nga, tàu ngầm điện-diesel cỡ lớn thứ hai lớp Projekt 06361 có tên HQ-183 TP. Hồ Chí Minh (số hiệu nhà máy 01340) đang đóng cho Hải quân Việt Nam đã được đưa ra khỏi xưởng và hạ thủy. Tàu này được khởi đóng tại phân xưởng số 12 của Admiralteiskye verfi vào ngày 28/9/2011. Tháng 12/2009, hãng xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronoexport ký hợp đồng đến năm 2016 đóng cho Việt Nam 6 tàu ngầm lớp Projekt 06361 trị giá gần 2 tỷ USD. Nếu tính cả chi phí xây dựng các cơ sở hạ tầng, cung cấp vũ khí… thì tổng giá trị hợp đồng lên tới 4 tỷ USD. Tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam có tê Hà Nội (số hiệu nhà máy 01339) được khởi đóng tại Admiralteiskye verfi vào ngày 24/8/2010, hạ thủy vào ngày 28/8/2012 và lên đường thử nghiệm nhà máy vào ngày 3/12/2012. Hiện nay, tàu ngầm Hà Nội đang ở tại cảng Svetly, gần Kaliningrad, trong tháng 1/2013, sẽ bắt đầu huấn luyện thủy thủ đoàn Việt Nam trên tàu này. Tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam sẽ được Nga bàn giao vào tháng 8/2013.
VietnamDefence

T-90MS: Rượu mới, bình cũ?
Hãng Uralvagonzavod của Nga giới thiệu tăng T-90MS như “phiên bản cải tiến triệt để” của họ tăng Т-90, mil.news.sina.com.cn viết.





T-90MS được trang bị biến thể mới nhất của họ pháo nòng trơn 125 2А46 là 2А46М5, có tuổi thọ cao hơn (1.200 phát bắn) nhờ ứng dụng các quy trình sản xuất mới. Nhờ có hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến, độ chính xác bắn tăng lên 15-20%. Trong thành phần hệ thống vũ khí trên xe có các tên lửa chống tăng có điều khiển 9М119М1 tầm bắn gần 5 km, có thể xuyên giáp đồng nhất dày 950 mm. Thông tin về việc phát triển các loại đạn xuyên giáp có cánh ổn định mới (dự đoán có 2 loại) được giữ bí mật. Xe tăng được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực cải tiến Kalina với máy tính đường đạn số mới và máy ngắm ảnh nhiệt. Nga thừa nhận, trình độ công nghệ hệ thống điều khiển hỏa lực của họ thua kém các hệ thống phương Tây. T-90MS cũng được trang bị 1 súng máy 7,62 mm điều khiển từ xa. Vỏ giáp của T-90MS không khác nhiều Т-90S, nhưng xe tăng này có thể được trang bị giáp phản ứng nổ và giáp tích cực mới. Xe tăng được phát triển có tính đến việc sử dụng trong tác chiến giữa các công trình đô thị. Các công nghệ của T-90MS như pháo nòng trơn cải tiến, giáp phản ứng nổ và giáp tích cực, các khí tài ảnh nhiệt và các hệ thống số sẽ được sử dụng như các công nghệ cơ bản để phát triển xe tăng thế hệ mới. Uralvagonzavod cũng sẵn sàng tích hợp vào T-90MS các công nghệ tiên tiến theo nguyên tắc “rượu mới, bình cũ”. Những cải tiến mới tất yếu làm tăng giá cả của T-90MS. Dự kiến, đơn giá của T-90MS sẽ vượt quá 4 triệu USD.
VietnamDefence

Thành trì Т-84 đến Thái Lan vào tháng 5
Tháng 5/2013, Ukraine sẽ chuyển giao cho Thái Lan lô tăng Т-84 Oplot (Thành trì) đầu tiên, tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết.



Theo lịch trình chuyển giao, 5 chiếc T-84 đầu tiên sẽ được đưa đến Thái Lan vào tháng 5, 50 chiếc khác sẽ nhận được vào cuối năm 2015 tướng Prayuth nói. Lục quân Thái Lan đã đặt mua tổng cộng 200 T-84. Trong đàm phán với Ukraine, tướng Prayuth đã yêu cầu chuyển giao T-84 sớm hơn. Tướng Prayuth cho biết, lô đầu gồm 5 xe tăng sẽ được sử dụng cho mục đích huấn luyện. Ông Prayuth cũng nói rằng, trong chuyến thăm Ukraine mới đây, ông đã xem xét xe tăng Oplot và cho rằng, từ góc độ hỏa lực và khả năng chiến đấu, lục quân Thái đã lựa chọn tương quan tốt giữa giá cả và chất lượng. Đa số xe thiết giáo hiện đại mua ở phương Tây có giá cao hơn. Việc mua sắm T-84 đã khiến binh lính Thái chỉ trích khi hợp đồng được thông báo vào năm 2011. Tăng Oplot được trang bị máy nạp đạn tự động đòi hỏi xe tăng phải dừng lại để nạp đạn khi bắn hết đạn. Một nguồn tin quân đội Thái năm 2011 nói rằng, trong tình huống chiến đấu, các kíp xe tăng thích độ tin cậy của hệ thống nạp đạn bằng tay.
VietnamDefence

Pháp tiếp tục duy trì vũ khí hạt nhân
Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 9.1 tuyên bố nước này sẽ duy trì kho vũ khí hạt nhân tốn kém của họ bất chấp khả năng cắt giảm ngân sách quân sự, đồng thời khẳng định những vũ khí này là quan trọng đối với quốc phòng, theo hãng tin AP. Chủ nhân Điện Elysee nói những mối đe dọa an ninh toàn cầu đã khiến vũ khí hạt nhân trở nên thiết yếu đối với nước Pháp, một trong số ít quốc gia châu Âu sở hữu loại vũ khí này.



Tổng thống Pháp Francois Hollande - Ảnh: Reuters
Tuyên bố của ông Hollande được đưa ra trong thông điệp năm mới thường niên gửi đến các binh sĩ Pháp. Tổng thống Pháp nói rằng “đó là một lực lượng ngăn chặn vốn bảo vệ chúng ta khỏi mọi hiểm họa và cho phép chúng ta đóng một vai trò mạnh mẽ trên trường quốc tế”. Quân đội Pháp đang đối mặt với một ngân sách hạn hẹp hơn trong những năm tới, và hiện đã rút lực lượng khỏi cuộc chiến tốn kém và không được ủng hộ ở Afghanistan.
Thanh Niên
Nhật cân nhắc hoãn đưa tranh chấp đảo với Hàn Quốc lên ICJ
Chính phủ Nhật đang xem xét hoãn kế hoạch đưa vụ tranh chấp chủ quyền về nhóm đảo Dokdo/Takeshima với Hàn Quốc lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), theo báo The Yomiuri Shimbun hôm nay 10.1.



Nhóm đảo Dokdo/Takeshima - Ảnh: Reuters
Kế hoạch nói trên được cho là nằm trong loạt phản ứng của Tokyo đối với việc Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến thăm Dokdo/Takshima hồi tháng 8.2012. Khi đó, Tokyo đề nghị hai bên cùng đem vụ tranh chấp lên ICJ, nhưng bị Seoul từ chối. Do đó, Tokyo định hành động đơn phương về vụ này. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch hoãn hành động này lại trong lúc chờ xem động thái từ chính phủ mới của Hàn Quốc. Động thái nói trên của Tokyo thể hiện lập trường của Thủ tướng Shinzo Abe, người muốn cải thiện quan hệ với Hàn Quốc qua sự hợp tác với Tổng thống đắc cử Park Geun-hye, theo The Yomiuri Shimbun. Ông Abe có thể sẽ đến Seoul vào ngày 25.2 để dự lễ nhậm chức tổng thống của bà Park. Ông Abe hy vọng quan hệ Tokyo-Seoul sẽ được cải thiện để có thể ứng phó Trung Quốc, vốn bị cho là đang gia tăng áp lực lên Nhật về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Thanh Niên


Nga, Trung tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev ngày 9.1 tuyên bố nước này và Trung Quốc đang có kế hoạch tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa để ứng phó hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang mở rộng phạm vi toàn cầu.



Radar cảnh báo sớm tên lửa X-band của Mỹ - Ảnh: AFP
“Chúng tôi quan ngại về các kế hoạch của Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ toàn cầu, trong đó có khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Trung Quốc chia sẻ quan ngại của chúng tôi và hai bên nhất trí phối hợp các hành động của mình về phương diện này”, hãng tin Ria Novosti dẫn lời ông Patrushev nói rõ. Hiện nay, Nga và Trung Quốc đang theo dõi động thái của Mỹ trong việc triển khai hệ thống phòng thủ xung quanh khu vực ở biển Đông, bên cạnh kế hoạch phát triển lá chắn tên lửa của Washington ở châu Âu. Hồi tháng 9, Washington và Tokyo nhất trí xây dựng một radar cảnh báo sớm tên lửa tiên tiến X-band ở miền nam Nhật Bản để phối hợp với radar AN/TPY-2 hiện có ở miền bắc nước này. Ngoài ra, một số nguồn tin cho hay Cơ quan phòng thủ tên lửa và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đang xem xét lập một hệ thống radar tương tự thứ 3 tại Đông Nam Á, có thể ở Philippines. Washington cũng đang có kế hoạch mở rộng đội tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đang tuần tra vùng biển quốc tế trong khu vực. Nga và Trung Quốc phản đối những sáng kiến phòng thủ tên lửa của Mỹ, với lập luận rằng chúng đang khiến môi trường an ninh khu vực và toàn cầu trở nên tồi tệ hơn, đồng thời làm tổn hại lá chắn hạt nhân của hai nước này.
Thanh Niên

Nhật cân nhắc bắn cảnh cáo máy bay Trung Quốc


Một máy bay Trung Quốc bay gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: AFP
Bộ Quốc phòng Nhật đang cân nhắc việc cấp phép cho Lực lượng phòng vệ không trung (ASDF) bắn cảnh cáo khi máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận mà Nhật tuyên bố chủ quyền. Tờ Sankei hôm 9.1 dẫn các nguồn thạo tin từ chính phủ Nhật cho hay Tokyo đã hướng dẫn Bộ Quốc phòng và ASDF tìm các biện pháp tăng cường cảnh báo đối với máy bay của Trung Quốc “xâm phạm không phận Nhật”. Tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này phản đối và cảnh giác trước mọi vi phạm chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của máy bay và tàu bè Nhật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu: “Các cuộc tuần tra của máy bay và tàu bè Trung Quốc tại vùng biển và vùng trời xung quanh quần đảo là hoạt động công vụ bình thường với mục đích thực thi quyền quản lý”. Vào tháng trước, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói rằng nước này đang theo dõi sát sao các hoạt động của không quân Nhật gần quần đảo tranh chấp. Tờ Sankei cho hay số các máy bay quân sự Trung Quốc bay gần “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) của Nhật, gồm chiếc Y-8 và các máy bay trinh sát khác, đã gia tăng từ khi Nhật quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 9 năm ngoái. Tờ báo dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật cho biết vào lúc cao điểm máy bay Trung Quốc đã bay vào khu vực được Nhật tuyên bố là không phận trong ba ngày liên tiếp. Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật cho biết họ chưa thể xác nhận tường thuật của tờ Sankei song một người phát ngôn nói "việc lực lượng phòng vệ Nhật bắn cảnh cáo lực lượng quân sự nước ngoài là cực kỳ hiếm".
Thanh Niên

Xe thiết giáp Armata ra mắt tháng 9/2013

Các mẫu xe thiết giáp chế tạo dựa trên khung gầm xe tăng tối tân Armata sẽ được giới thiệu tại triển lãm tại Nizhny Tagil vào tháng 9/2013, đại diện Bộ Quốc phòng Nga về Lục quân, Trung tá Nikolai Donyushkin cho biết. “Các mẫu xe chiến đấu mới dùng khung gầm vận tải chuẩn hóa dành cho các lữ đoàn nặng sẽ được giới thiệu. Trên cơ sở khung gầm này, sẽ sản xuất xe tăng, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng, xe cứu kéo-sửa chữa thiết giáp”, ông Donyushkin nói. Ông cũng cho biết thêm rằng, Nga dự định lắp trên khung gầm Armata các hệ thống pháo, phòng không, các loại xe đặc chủng như phòng sinh-hóa-phóng xạ, xe công binh. “Tất cả những công việc này đang được tiến hành trong khuôn khổ thực hiện chương trình vũ khí nhà nước giai đoạn 2011-2020”, ông Donyushkin nói. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin thông báo, trên cơ sở khung gầm Armata sẽ chế tạo xe tăng hiện đại thế hệ mới nhất, xe chiến đấu bộ binh và xe có bảo vệ dùng cho công tác cứu hộ trên chiến trường. Trong tương lai, có thể xuất hiện cả các biến thể xe chiến đấu khác dùng khung gầm chiến đấu này. Theo ông Donyushkin, chương trình Armata có trù tính chế tạo các họ xe thiết giáp chuẩn hóa hoàn toàn mới với khả năng bảo vệ kíp xe bằng vỏ giáp cao. Công tác thiết kế-thử nghiệm các loại xe thiết giáp dành cho Kurganets-25 và Bumerang dành cho các lữ đoàn hạng nhẹ và hạng trung đang được tiếp tục. “Tất cả các xe chiến đấu sẽ được trang bị các hệ thống vũ khí uy lực mạnh hơn và tầm bắn xa hơn. Các thiết bị trên xe được chế tạo theo cấu trúc mở với khả năng hiện đại hóa không hạn chế. Tất cả các xe này đều có khả năng vận chuyển bằng đường không, đường sắt và được tích hợp vào không gian thông tin thống nhất của hệ thống chỉ huy quân đội và vũ khí tự động hóa của quân đội Nga”, ông Donyushkin nói. Tháng 8/2012, Tổng giám đốc Uralvagonzavod Oleg Sienko tuyên bố rằng, doanh nghiệp do ông lãnh đạo dự tính xuất xưởng mẫu đầu tiên của xe tăng Armata vào năm 2013. Tăng Armata dự định sẽ được sản xuất loạt từ năm 2015 và đến năm 2020, quân đội Nga sẽ nhận được 2.300 xe tăng Armata.
VietnamDefence

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.