Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Phổ nhạc vào thơ: Không đơn giản?

Không phải là "phổ thơ"

  Đọc nhiều bài viết về các nhạc sĩ (hoặc nhà thơ) đăng trên một số ấn phẩm báo chí, tôi thường thấy người viết nhắc tới cụm từ "Ca khúc phổ thơ của nhà thơ X", hoặc "Bài thơ đã được nhạc sĩ Y phổ thành bài hát…". Không ít bản nhạc khi in báo cũng thấy tác giả cho đề cạnh tên mình dòng chữ: "phổ thơ…". Kèm đó là tên tác giả phần thơ. Điều này sẽ không có gì đáng nói nếu phần ca từ của bài hát đích thực là của nhà thơ được nhắc tới trên. Nói "đích thực" có nghĩa là 100% lời thơ được đưa vào bài hát.
Thực tế, không phải trường hợp nào cũng như vậy, nếu không muốn nói khá hiếm trường hợp như vậy. Thậm chí có trường hợp ghi là "phổ thơ của nhà thơ…" song đối chiếu với nguyên bản bài thơ, thấy hầu hết là tác giả bài hát thêm vào. Phần "phổ thơ" chỉ… đôi câu.
Tất nhiên, trong việc sáng tạo, nhạc sĩ có thể "liệu cơm gắp mắm", "tùy cơ ứng biến", miễn sao đem lại hiệu quả cao nhất cho tác phẩm. Song vấn đề là có khi nhạc phẩm nổi tiếng quá, nên từ mấy chữ "phổ thơ" ấy, thiên hạ quay sang bình luận, đánh giá chất lượng bài thơ theo nội dung in trên bản nhạc. Mà, ai cũng biết việc làm này là khập khiễng, bởi cái hay của sự phóng túng trong ca từ một bài hát không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với cái thâm thúy về chữ nghĩa trong lời một bài thơ. Ấy là chưa kể, có người thả sức ngợi ca nhà thơ có "thơ được phổ nhạc" căn cứ trên lời bài hát, trong khi họ đâu hay - như trên đã nói - phần lời thơ được "phổ" trong bài hát rất ít.
Ở đây, tôi chỉ xin nêu một vài ví dụ.
Không ít tờ báo từng viết ca khúc "Mưa rơi" của nhạc sĩ Trần Hoàn là phổ thơ Tố Hữu (bài thơ "Mưa rơi", sáng tác trong kháng chiến chống Pháp). Thật ra, viết thế là chưa chính xác. Thay vì hai chữ "phổ thơ", phải gọi là "phỏng thơ" mới đúng. Hãy so sánh bài thơ "Mưa rơi" của nhà thơ Tố Hữu với phần ca từ trong bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn để thấy chúng khác biệt ra sao. Đây là nguyên văn đoạn kết của bài thơ "Mưa rơi": "Em đi đường đất mưa rơi/ Bùn non son quánh chân đồi Phù Ninh/ Em đi, anh nhớ dáng hình/ Cái khăn mỏ quạ, cái mình áo nâu/ Chiều nay heo hút rừng sâu/ Mưa nguồn suối lũ biết đâu mà tìm?/ Ước gì anh hóa thành chim/ Bay theo em, hót cho tim đỡ buồn". Và đây là phần ca từ trong đoạn kết bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn: "Em đi và em đi/ Anh nhớ dáng hình/ Vành khăn tròn xinh xắn/ Nhớ mình áo nâu/ Em đi/ Mưa rơi thác lũ ngập nguồn sâu/ Giờ đây em ở nơi đâu mà tìm/ Mưa rơi và mưa rơi/ Mưa mãi mưa hoài/ Rừng sâu đèo heo hút/ Em dừng nơi đâu?/ Mong sao mong sao/ Anh hóa được thành chim/ Liệng theo em hót cho tim đỡ buồn/ Mưa rơi, mưa rơi/ Ngoài trời mưa rơi/ Mưa rơi, mưa rơi/ Trong lòng người mưa rơi…". Kể phổ thơ như vậy là quá giỏi, là vẫn còn giữ được tinh thần của bài thơ, song rõ ràng, về mặt câu chữ thì biến thể nhiều. Nếu căn cứ vào ca từ trong bài hát của Trần Hoàn để bình về cách dùng chữ của Tố Hữu (như có người từng làm), liệu có chuẩn xác?
Tuy nhiên, đấy chỉ là một trong những trường hợp diễn ra khá phổ biến đối với những ca khúc nổi tiếng. Trường hợp bài hát "Sao em nỡ vội lấy chồng" của nhạc sĩ Trần Tiến với bài thơ "Lá diêu bông" của nhà thơ Hoàng Cầm mới là trường hợp… đặc biệt. Nếu bảo bài hát của Trần Tiến không liên quan gì tới "Lá diêu bông" của Hoàng Cầm thì không phải, bởi trong bài hát của Trần Tiến có nhắc tới việc nhân vật "đi tìm lá diêu bông", trong khi lá diêu bông - tên một thứ lá do Hoàng Cầm sáng tạo ra, gần như đã là một "đặc sản" của Hoàng Cầm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa bài thơ và ca từ của bài hát, chúng ta thấy rất khác. Những lời như: "Lời ru buồn/ Nghe mênh mang, mênh mang/ Sau lũy tre làng/ Khiến lòng tôi xôn xao/ Ngày lấy chồng/ Em đi theo con đê/ Con đê mòn lối cỏ về/ Có chú bướm vàng bay theo em" gần như chẳng liên quan gì tới bài thơ với những câu "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng/ Chị thẩn thơ đi tìm/ Đồng chiều/ Cuống rạ/ Chị bảo/ Đứa nào tìm được lá diêu bông/ Từ nay ta gọi là chồng" cả. Ấy vậy mà vẫn có không ít người viết rằng bài hát "Sao em nỡ vội lấy chồng" của Trần Tiến là phổ thơ "Lá diêu bông" của Hoàng Cầm đấy.
Vậy, để giải quyết vấn đề này, tránh gây nên những nhầm lẫn, thậm chí có thể dẫn tới những rắc rối không đáng có, người nhạc sĩ cần phải làm gì? Theo tôi rất đơn giản: Cần phải phân lọc kỹ đâu là "phổ thơ", đâu là "phỏng thơ", đâu là "được gợi ý từ bài thơ…" (như trường hợp Trần Tiến với bài thơ của Hoàng Cầm), để rồi khi công bố tác phẩm của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhạc sĩ sẽ ghi chú một cách rạch ròi, sòng phẳng như thế.
(Nguồn Baomoi.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.