Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Chứng nghiện rượu của con người


Cùng tìm hiểu về ảnh hưởng của rượu lên cơ thể và những gì xảy ra đối với những người mắc chứng nghiện rượu.
 Mỗi khi nhắc đến người say rượu chúng ta đều nghĩ ngay đến hình ảnh một người đi lảo đảo trên phố, ăn mặc xộc xệch, ăn nói lảm nhảm và đôi khi tự vấp ngã. Nhưng thực tế chứng nghiện rượu có thể không giống như vậy. Những người nghiện rượu có thể che dấu những vấn đề của bản thân trước bạn bè, gia đình và thậm chí là chính bản thân họ. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc sự khác biệt giữa nghiện rượu và uống nhiều rượu, và làm rõ rượu ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào, khám phá những nhân tố di truyền, yếu tố tâm lý học và xã hội nào đã làm những con người từ bình thường trở thành một kẻ nghiện rượu. Và quan trọng là liệu có cách nào có thể giúp họ thoát khỏi chúng không?Vậy nghiện rượu là như thế nào?
Hầu hết chúng ta chỉ có thể nhâm nhi chút rượu khi gặp gỡ bạn bè gọi là có chút “vui vẻ”. Nhưng đối với những người khác họ có thể uống cả lít rượu một cách bình thường. Không phải người nào uống được rượu bia đều là những người nghiện rượu. Những người uống nhiều rượu nhưng vẫn quan tâm đến gia đình, làm việc có trách nhiệm, hay đặt bản thân bị rơi vào tình trạng nguy hiểm khi say được coi là lạm dụng rượu. Dẫu sử dụng rượu bia có hại cho cơ thể nhưng những người lạm dụng chúng không bị rơi vào tình trạng bị phụ thuộc vào các chất cồn.

Nhưng trái lại, nghiện rượu lại là một chứng bệnh mãn tính. Những người nghiện rượu bị phụ thuộc vào những loại đồ uống này. Họ cảm thấy rằng cần phải uống, gần giống như mọi người khác thấy cần phải ăn vậy. Và một khi họ bắt đầu uống, họ không thể dừng lại. Cơ thể của những người nghiện rượu hình thành nên cơ chế chống chịu lại cồn, và họ càng ngày càng cần nhiều cồn hơn vào cơ thể để đem lại cảm giác khoan khoái dễ chịu. Một khi họ cố ngừng hoặc cắt giảm lượng uống, họ sẽ trải qua một loạt “triệu chứng cai nghiện”: như đổ mồ hôi, buồn nôn, run rẩy, lo âu, mê sảng.
Một người trở thành kẻ nghiện rượu như thế nào?
Có thể giải thích cho câu hỏi này bằng sự kết hợp những nhân tố di truyền học, yếu tố sinh lý, tâm lý và xã hội.
Gen là nhân tố quan trọng đối với việc phát triển chứng nghiện rượu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa con của người nghiện rượu có nguy cơ giống như bố mẹ chúng cao gấp 4 lần bình thường. Dẫu số liệu thống kê này bị ảnh hưởng một phần bởi yếu tố môi trường, các nhà khoa học vẫn tin rằng có sự liên quan của di truyền ở đây. Họ vẫn tiếp tục nghiên cứu để xác định chính xác các gen nào đã làm tăng nguy cơ một người trở nên nghiện rượu nhằm phát triển phương pháp điều trị hữu hiệu đối với chứng nghiện rượu.
Về mặt sinh lý, cồn trong rượu bia làm thay đổi cân bằng hóa chất bên trong bộ não của chúng ta. Nó ảnh hưởng đến các chất bên trong trung khu tưởng thưởng của não bộ như dopamine chẳng hạn. Cơ thể sẽ cảm thấy “thèm” rượu để khôi phục lại trạng thái khoan khoái dễ chịu và tránh né những cảm xúc tiêu cực. Những người đã gặp phải stress nặng hoặc các vấn đề về tâm lý như trầm cảm có nguy cơ mắc chứng nghiện rượu cao hơn người bình thường.
Những nhân tố xã hội như bắt chước đám đông, yếu tố quảng cáo, môi trường sống….. cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nên chứng nghiện rượu của một người. Nhiều thanh niên nghĩ rằng họ cần uống rượu để chứng tỏ bản thân hay chỉ vì lý do đơn giản tất cả bạn bè của họ đều uống. Quảng cáo bia rượu hấp dẫn trên truyền hình cũng có thể lôi kéo nhiều người thưởng thức chúng như một trò tiêu khiển, để giải trí lúc nhàn rỗi, vui vẻ.
Và dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy một người có thể là một con ma men đích thực:
- Uống để quên đi những khó khăn trong cuộc sống
- Thường xuyên ngồi uống một mình
- Nói dối về thói quen uống bia rượu của bản thân
- Không cảm thấy thức ăn hấp dẫn
- Cảm thấy bực bội khó chịu khi không uống
- Quên mất một số sự việc nhất định
Chuyện gì xảy ra bên trong cơ thể khi chúng ta uống rượu

Khi bạn uống một cốc rượu, khoảng 20 % lượng cồn sẽ bị hấp thụ vào dạ dày, 80% còn lại bị hấp thụ bên trong ruột non. Rượu được hấp thu nhanh như thế nào phụ thuộc vào nồng độ của rượu trong thức uống (vodka sẽ được hấp thụ nhanh hơn so với bia, vì vodka có nồng độ cồn cao hơn) và tình trạng dạ dày của bạn. Khi vừa ăn một bữa no đồng nghĩa với dạ dày căng phồng sẽ làm chậm sự hấp thụ rượu. Sau khi rượu được hấp thụ, nó ngấm vào máu và được vận chuyển đi khắp cơ thể của bạn. Khi cồn đã có mặt trên cơ thể, cơ thể đồng thời phải tích cực làm việc để loại bỏ nó. Phổi và thận loại bỏ khoảng 10% rượu thông qua nước tiểu và hơi thở. Gan chuyển hóa phần rượu còn lại thành axit acetic.
Sau khi uống một vài ly rượu, các ảnh hưởng vật lý của cồn lên cơ thể sẽ trở nên khá rõ ràng. Những ảnh hưởng này có liên quan đến nồng độ cồn trong máu (BAC). BAC tăng lên khi lượng cồn đưa vào cơ thể nhanh hơn lượng cồn bị đào thải.
Cồn và não bộ
Phần lớn nhiều người đã từng chứng kiến những biểu hiện bên ngoài khi say: đi loạng quạng, ăn nói không rõ ràng và mất trí nhớ tạm thời. Nhiều người uống rượu cho biết họ gặp vấn đề về khả năng cân bằng, mất tỉnh táo và sự phối hợp giữa các bộ phận của cơ thể. Họ phản ứng rất chậm với các kích thích, điều đó giải thích vì sao lái xe sau khi uống rượu bia rất nguy hiểm. Nguyên nhân của những biểu hiện vật lý này là do cồn đã làm ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh trung ương.

Rượu tác động đến cơ chế hóa học của não bộ khi thay đổi lượng các chất dẫn truyền thần kinh. Các chất dẫn truyền thần kinh đống vai trò như một người đưa tin truyền dẫn tín hiệu đi khắp cơ thể để kiểm soát quá trình suy nghĩ, hành vi và cảm xúc. Các chất này vừa đồng thời kích thích hoạt động và ức chế hoạt động của não bộ. Cồn làm gia tăng ảnh hưởng của chất ức chế truyền dẫn thần kinh GABA bên trong não. GABA gây ra sự chuyển động chậm chạp và nói năng kém lưu loát ở người nghiện rượu. Trong cùng lúc, rượu cũng làm ức chế chất kích thích truyền dẫn thần kinh glutamate. Ức chế chất kích thích này gây ra những suy giảm tương tự về mặt sinh lý. Ngoài tác dụng gia tăng GABA và giảm glutamate trong não, cồn cũng làm gia tăng lượng dopamienin ở phần trung khu tưởng thưởng của não bộ, phần não tạo ra cảm xúc hài lòng dễ chịu khi một người uống rượu.
Rượu làm ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau của não bộ như sau:
- Vỏ não: Khu vực này nơi quá trình suy nghĩ và ý thức xảy ra, cồn làm suy yếu trung tâm ức chế hành vi, làm người uống kém linh hoạt hơn và gây ra suy giảm quá trình xử lý thông tin từ mắt tai miệng và các giác quan khác. Nó cũng làm ức chế quá trình xử lý thông tin làm họ khó có thể suy nghĩ mạch lạc như trước khi uống.
- Tiểu não: Rượu tấn công vào khu vực điều chỉnh chuyển động và thăng bằng của cơ thể, gây ra hiện tượng mất thăng bằng và cảm giác choáng váng.
- Đồi và tuyến yên: Vùng dưới đồi và tuyến yên phối hợp để điều chỉnh các chức năng não tự động và sản xuất hormone tuyến yên. Rượu làm suy yếu trung tâm thần kinh ở vùng dưới đồi điều khiển sự hưng phấn và khả năng tình dục. Mặc dù sự ham muốn tình dục có thể tăng lên nhưng khả năng sinh hoạt tình dục lại giảm đi.
- Tủy sống: Khu vực này của não đóng vai trò duy trì hoạt động của cơ thể một cách tự động như thở, ý thức và nhiệt độ cơ thể. Khi tác động vào vùng tủy sống, rượu gây ra buồn ngủ. Nó cũng có thể làm chậm hơi thở và hạ thấp nhiệt độ cơ thể, thậm chí là đe dọa tính mạng.
Trong ngắn hạn, cồn có thể gây ra hiện tượng mất trí nhớ ngắn hạn làm người ta quên đi những gì đã xảy ra trong một chuỗi thời gian nhất định. Các ảnh hưởng dài hạn lên não bộ thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Cồn rượu ảnh hưởng lâu dài đến não bộ như thế nào
Thường xuyên đưa một lượng cồn vào bên trong cơ thể có thể để lại những tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi. Não bộ có thể bị suy giảm kích thước và dẫn tới những thiếu hụt trong các sợi thần kinh, nơi vận chuyển thông tin giữa các tế bào não. Nhiều người nghiện rượu mắc phải một tình trạng gọi là hội chứng Wernicke-Korsakoff khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin nhóm B. Hội chứng này xảy ra vì rượu ngăn cản cơ thể hấp thụ các loại vitamin B. Những người mắc hội chứng này trở nên mất phương hướng, nhầm lẫn trong suy nghĩ và ý thức. Họ cũng thường xuyên gặp phải những vấn đề về trí nhớ và học tập.
Cơ thể phản ứng lại việc đưa rượu liên tục vào cơ thể bằng cách phụ thuộc luôn vào nó. Sự phụ thuộc này gây ra những thay đổi suy giảm lâu dài đối với các quá trình hóa học bên trong bộ não. Để thích ứng với sự hiện diện thường xuyên của rượu, não bộ sẽ thay đổi quá trình sản xuất các chất truyền dẫn thần kinh. Nhưng khi người đó ngừng uống hoặc giảm đột ngột lượng uống, trong vòng 24 cho tới 72 giờ đồng hồ não bộ sẽ rơi vào trạng thái cai nghiện rượu. Những triệu chứng cai nghiện bao gồm mất phương hướng, ảo giác, mê sảng buồn nôn, đổ mồ hôi và co giật.
Cồn ảnh hưởng đến những cơ quan khác trong cơ thể
Uống quá nhiều rượu làm tổn hại sức khỏe của chúng ta. Cồn rượu phá hủy gan, thận, tim, não bộ và hệ thần kinh trung ương. Dưới đây là những ảnh hưởng của rượu đến các bộ phận khác của cơ thể ngoài bộ não đã được đề cập ở phần trên:

- Gan: Gan là cơ quan dễ chịu tổn hại do tác dụng của rượu nhất bởi vì đây là nơi rượu và các chất độc khác được chuyển hóa. Uống rượu trong thời gian dài có thể dẫn tới viêm gan. Những biểu hiện của bệnh viêm gan bao gồm có buồn nôn, nôn, sốt, chán ăn, đau bụng và vàng da . Có tới 70% những người bị viêm gan do rượu bị xơ gan. Khi gan trở nên xơ hóa, các mô gan khỏe mạnh sẽ bị thay thể bởi các mô sẹo, làm gan không thể hoạt động được như chức năng vốn có.
- Dạ dày: rượu gây kích thích niêm mạc dạ dày và ruột, gây ra hiện tượng nôn mửa, cảm giác buồn nôn và cuối cùng dẫn đến loét dạ dày.
- Tụy: Tuyến tụy tiết ra kích thích tố insulin và glucagon, quy định cách thức ăn được chia nhỏ và được sử dụng để cấp năng lượng của cơ thể. Uống rượu lâu dài có thể dẫn đến viêm tuyến tụy.
- Ung thư: Nghiên cứu chỉ ra rằng uống lâu dài làm tăng nguy cơ ung thư miệng, thanh quản, cổ họng và thực quản.
Ảnh hưởng của rượu rõ rệt hơn ở người lớn trên 65 tuổi, bởi vì cơ thể của họ không còn khả năng chuyển hóa rượu tốt những người trẻ tuổi. Phụ nữ cũng gặp khó khăn trong quá trình chuyển hóa rượu hơn nam giới, bởi vì họ thường nhỏ hơn và trọng lượng nhẹ hơn. Ngoài ra, rượu có thể gây tử vong khi kết hợp với các loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc an thần và kháng histamin. Bên cạnh đó Rượu là đặc biệt nguy hiểm đối với thai nhi, có thể dẫn đến hội chứng hội chứng thai nhi nghiện rượu, nguyên nhân số một gây ra suy giảm trí tuệ ở trẻ. Khi em bé được tiếp xúc với rượu trong bụng mẹ ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, chúng sẽ gặp nhiều khó khăn sau này về khả năng học tập, trí nhớ và sự tập trung bởi vì rượu xâm nhập vào tử cung làm, làm suy yếu sự phát triển của một số cấu trúc trong não, hạch nền, tiểu não…Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai nên tránh uống rượu trong thời kỳ mang bầu.
Điều trị cai nghiện rượu

Theo thống kê riêng tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 2 triệu người được trợ giúp để cai nghiện rượu. Nhũng liệu pháp chữa trị bao gồm:
- Thuốc giải độc: Điều này liên quan đến việc kiêng rượu hoàn toàn trong 4-7 ngày. Những người trải qua giai đoạn này thường dùng thuốc để ngăn chặn các triệu chứng cai nghiện rượu đã nói ở trên.
- Dược phẩm: Mọi người có thể có các loại thuốc như disulfiram hoặc naltrexone để ngăn ngừa tái phát một khi họ đã ngừng uống. Naltrexone làm giảm ham muốn uống rượu bằng cách ngăn chặn các vùng chức năng của não bộ cảm thấy dễ chịu khi dùng rượu. Disulfiram gây ra những phản ứng nghiêm trọng rượu đó bao gồm buồn nôn, nôn và đau đầu.
- Tư vấn: Cá nhân hoặc các buổi tư vấn nhóm có thể giúp người nghiện rượu xác định được tình huống đẩy họ vào cám dỗ sử dụng rượu và tìm cách né tránh những cám dỗ đó.
Hiệu quả của các chương trình khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề, các yếu tố xã hội và tâm lý liên quan và sự quyết tâm của bệnh nhân trong giai đoạn điều trị. Nhưng dù các phương pháp nói trên có hiệu quả thế nào đi nữa thì cách tốt nhất vẫn nằm ở bản thân chúng ta. Uống nhiều rượu không hề có lợi gì cho sức khỏe.
Tham khảo: howstuffwork.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.