Thất bại không thể cứu vãn của Mỹ
Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ diễn ra trên toàn bộ lãnh thổ Lào, nhưng tập trung nhất là Cánh đồng Chum - Xiengkhuang, hòng biến nơi đây thành căn cứ quân sự lớn nhất của chúng ở Lào.
(Đất Việt) Những trận “mưa bom bão đạn” do Mỹ, tay sai trút xuống Cánh đồng Chum - Xiengkhuang đã giết chết 8.203 người, trong đó có 37 sư sãi, 120 học sinh; đốt phá 2.724 nóc nhà, 761 ngôi chùa, 274 trường học. Trung bình người dân vùng này phải chịu 350 tấn bom/người.
Thủ đoạn thâm độc
Để đánh chiếm Cánh đồng Chum - Xiengkhuang, Mỹ và tay sai đã tổ chức nhiều cuộc hành quân quy mô lớn, nhỏ khác nhau với lực lượng đông, hỏa lực mạnh và tập trung, kéo dài từ 3 - 6 tháng. Mỹ xây dựng sân bay với đường băng dài 3km, đảm bảo cho nhiều loại máy bay lên xuống an toàn. Với thủ đoạn thâm độc, chia rẽ các bộ tộc Lào, “dùng người Lào đánh người Lào”, Mỹ tổ chức xây dựng “lực lượng đặc biệt” người H’Mông do Vàng Pao cầm đầu, thiết lập căn cứ Long Chẹng ở tây nam Xiengkhuang, do các cố vấn Mỹ trực tiếp huấn luyện, trang bị và chỉ huy.
Tháng 12/1963, 5 tiểu đoàn quân đội phái hữu và “lực lượng đặc biệt” của Vàng Pao có không quân và pháo binh Mỹ yểm trợ đánh vào vùng bắc Viêng Chăn, rồi tiến công lấn chiếm Cánh đồng Chum - Xiengkhuang. Những năm 1966 - 1968, Mỹ ra sức củng cố lực lượng, nhất là “lực lượng đặc biệt Vàng Pao”, kết hợp với không quân đánh phá với cường độ ngày càng tăng trên toàn bộ tuyến hành lang từ Thượng Lào, Trung Lào đến Hạ Lào. Địch tổ chức nhiều cuộc tiến công quy mô vừa và nhỏ vào Phu Kụt. Cuộc tiến công lớn nhất vào Cánh đồng Chum - Xiengkhuang (4/1966) gồm ba binh đoàn cơ động của quân đội phái hữu và một số đơn vị của Koongle.
Nhằm chiếm giữ Cánh đồng Chum - Xiengkhuang, tạo bàn đạp tiến công vùng giải phóng Lào, uy hiếp căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa và phòng ngự từ xa cho phòng tuyến sông Mekong, đông xuân 1969 - 1970, Mỹ mở cuộc hành quân lớn nhất trên chiến trường Lào kể từ khi tiến hành chiến tranh xâm lược, mang tên Cù Kiệt (Cứu vãn danh dự), với lực lượng tham gia lên tới 12.000 quân, bao gồm 10 tiểu đoàn “lực lượng đặc biệt”, 4 tiểu đoàn chiếm đóng, một tiểu đoàn biệt kích số 208, một tiểu đoàn cơ động số 19, ba tiểu đoàn thám kích đặc biệt cùng nhiều cụm phỉ (mỗi cụm tương đương 1 tiểu đoàn) và 5.000 quân Thái Lan; huy động 5 đại đội máy bay chiến đấu, 100 máy bay lên thẳng để cơ động lực lượng và vận chuyển tiếp tế, đặt dưới sự chỉ huy của CIA thông qua Bộ Chỉ huy hỗn hợp Mỹ - Thái Lan - Vàng Pao.
Với chính sách “ba sạch”, Mỹ và ngụy Lào đã thẳng tay tàn sát dân thường, đốt nhà, phá ruộng đồng, bắn giết trâu bò, phá trường học, chùa chiền, có nhiều bản làng bị bom đạn Mỹ hủy diệt. Chúng còn đánh phá đường vận chuyển, tiếp tế của lực lượng kháng chiến, bắt dân vào sống tập trung trong vùng chúng kiểm soát.
Tiếp đến, từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8/1972, Mỹ mở chiến dịch không kích Khẹ khèn (Rửa hận), ném bom, bắn phá dữ dội khu vực Cánh đồng Chum - Xiengkhuang. Chúng điên cuồng huy động tới hàng chục tiểu đoàn bộ binh và pháo binh của lực lượng Vàng Pao quân đội Thái Lan, cùng sự chi viện hoả lực mạnh của không quân, pháo binh, tăng, thiết giáp, nhằm huỷ diệt toàn bộ khu vực Cánh đồng Chum - Xiengkhuang.
Đập gãy xương sống
Nhằm giữ địa bàn chiến lược và bảo vệ vùng giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, quân dân Cánh đồng Chum - Xiengkhuang, sát cánh cùng bộ đội tình nguyện Việt Nam chung một chiến hào, kiên cường bám trụ, thay đổi linh hoạt hình thức hoạt động khi so sánh lực lượng có sự biến chuyển, thực hiện dân bám đất, lực lượng vũ trang bám địch, kết hợp đánh du kích với cách đánh lớn để giành và giữ thế chủ động trên chiến trường. Cánh đồng Chum - Xiengkhuang từ năm 1969 đến 1972, bạn và ta (lực lượng Pathet Lào và quân tình nguyện Việt Nam) và địch giành đi giật lại nhiều lần. Mùa khô, bạn và ta làm chủ, mùa mưa thì địch lấn chiếm.
Bộ tư lệnh 959 bàn mở Chiến dịch 139, giải phóng Cánh Đồng Chum. Ảnh: tư liệu.
Để kết thúc giành giật, đập gãy xương sống địch, ta mở chiến dịch phản công năm 1972 diễn ra trong 179 ngày (từ 21/5 - 15/11/1972) gồm 4 đợt, đánh bại hoàn toàn chiến dịch tiến công lớn của liên quan Mỹ, ngụy Lào và Thái Lan. Ta tổ chức lực lượng thích hợp ngăn chặn, phản kích bẻ gãy các mũi và hướng tiến công của địch, kết hợp tập kích tiêu hao sinh lực, tạo thế và lực đánh trận then chốt quyết định tiêu diệt phần lớn cụm quân địch từ nam Bản Quay đến bắc Khang Kho, ta tiếp tục tiến công, truy quét địch khỏi nam Cánh đồng Chum, buộc địch phải co về giữ Long Chẹng.
Với 244 trận đánh, ta loại khỏi vòng chiến đấu 5.607 tên địch, bắt 179 tên, đánh thiệt hại nặng 3GM, 3 tiểu đoàn Thái Lan, thu hơn 800 súng (có 4 pháo 105mm và 4 cối 106,7mm), bắn rơi 38 máy bay.
Trước thất bại không gượng nổi trên toàn bộ chiến trường, TT Mỹ lúc đó Richard Nixon buộc phải để cho Phuma công khai đề nghị ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Lào có quốc tế giám sát và đồng ý lấy đề nghị 5 điểm của Pathet Lào làm cơ sở thương lượng về giải pháp hoà bình ở Lào. Những chiến công vang dội trên mảnh đất Cánh đồng Chum - Xiengkhuang đã góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, với đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975), cổ vũ mạnh mẽ và tạo điều kiện cho quân và dân Lào liên tiếp nổi dậy, giành chính quyền trong cả nước và thành lập nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (2/12/1975).
Với tinh thần đồng cam, cộng khổ, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, kề vai sát cánh chiến đấu sống chết bên nhau, từ sau năm 1975, quan hệ Việt Nam và Lào bước sang một trang hoàn toàn mới: từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập chủ quyền, góp phần xây dựng hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.